Cách đây 70 năm, vào Thu đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng quân uỷ và Bộ Quốc phòng- Tổng tư lệch, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Tây Bắc, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thành công.

Có thể nói, chiến thắng Tây Bắc 1952 là dấu mốc có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta; là tiền đề quan trọng cho những chiến thắng tiếp theo, tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau 2 tháng tiến hành chiến dịch (từ ngày 14/10-10/12/1952), trải qua 3 đợt chiến đấu, chiến dịch Tây Bắc đã điệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch, nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xoá sổ. Âm mưu củng cố "Xứ Thái", "Xứ Nùng tự trị" của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500km2 với 25 vạn dân được giải phóng.

"Có thể nói rằng, thắng lợi của chiến dịch là kết quả quá trình 7 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là các đơn vị chủ lực của Bộ cùng quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và các chiến trường phối hợp. Thắng lợi đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tạo tiền đề để quân và dân ta được thắng lợi quyết định trong Đông- Xuân 1953-1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)", Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.

Là địa bàn diễn ra đợt 1 của chiến dịch, quân và dân Yên Bái tự hào đã đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng, cùng bộ đội chủ lực giải phóng quê hương, tạo tiền đề cho chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái cho biết: 70 năm đã trôi qua, nhưng âm vang thắng lợi vẫn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; là niềm tự hào và là nguồn động lực to lớn, thôi thúc các thế hệ các bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khí thế tiến công, tinh thần chiến thắng của Chiến dịch Tây Bắc, ra sức thi đua cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử đã cùng nhau phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập "Xứ Thái tự trị" ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp, để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch.

Bên cạnh đó, phân tích, luận giải làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của chiến thắng Tây Bắc; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng sáng tạp vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...

Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sing cho thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; củng cố vững chắc cơ sở khoa học để đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá và phản bác kịp thời, hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử của các thế lực thù địch, phản động.

Qua đó, khơi dạy niềm tự hào của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

- Chiến thắng Tây Bắc 1952 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Làm phá sản các chính sách quân sự, chính trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đẩy Pháp vào thế bị động về chiến lược. Đập tan âm mưu củng cố "Xứ Thái", "Xử Nùng tự trị" và từng bước làm thất bại chính sách "dùng người Việt đánh người Việt", lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

- Khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý báu để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.

- Góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

- Góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương Việt Nam- Lào-Campuchia từng bước phát triển tiến tới thắng lợi hoàn toàn.