Khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam – đó là mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta. Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Và một trong những giải pháp được xem là mang tính đột phá - đó chính là xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các giá trị văn hóa giống như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

“Văn hóa chính là “thương hiệu”, là giá trị quốc gia và là nguồn lực nội sinh phát triển đất nước”. Một đất nước muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa. Và một điều hiển nhiên là hệ giá trị văn hóa là sản phẩm của con người, của sự phát triển xã hội và văn hóa của mỗi thời đại. Khi được hình thành, hệ giá trị ấy sẽ định hướng mục tiêu, phương thức, hành động của con người và tham gia điều tiết sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Vậy những yếu tố nào, phẩm chất nào làm nên chuẩn giá trị người Việt Nam hiện đại?

"Theo tôi đó chính là tinh thần yêu nước, anh hùng, chống giặc ngoại xâm” - Nguyễn Kim Cương, nhân viên văn phòng cho biết.

"Tinh thần hiếu học, đó là niềm tự hào của chúng ta. Bên cạnh đó tôi nghĩ rằng cần cù và trọng tình nghĩa là những phẩm chất tốt của người Việt chúng ta" - Trần Minh Anh – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

"Truyền thống tương thân tương ái của chúng ta đã có từ ngàn đời và bất cứ khi nào có thể lại trỗi dậy. Nhất là trong khó khăn hoạn nạn, trong dịch dã, thiên tai, tinh thần “lá lành đùm lá rách” hơn lúc nào hết lại được tỏa sáng" - Trần Hào Hiệp, viên chức bày tỏ.

"Trong quá trình hội nhập quốc tế, mỗi người, đặc biệt là người trẻ phải trở thành những công dân toàn cầu, phải có tri thức" – Vũ Hải Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao.

Con người Việt Nam vốn được khắc họa với những phẩm cách tốt đẹp “yêu nước, anh hùng trong chiến đấu, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, cần cù, sáng tạo”… Nhưng, theo PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, chuẩn người Việt Nam hiện đại cần phải được bổ sung, bồi đắp thêm: “Trong thời hiện đại tôi nghĩ phẩm cách con người VN cần phải bổ sung thêm một số giá trị đó là tinh thần trách nhiệm và kỷ cương, các công dân thực hiện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đó là yếu tố cơ bản để chúng ta xây dựng một xã hội vừa có bản sắc văn hóa vừa hiện đại.

Trong tiến trình phát triển và hội nhập cần rất nhiều đổi thay cho phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì chuẩn giá trị người Việt Nam hiện đại vẫn phải hội tụ 4 giá trị cốt lõi là Trí - Đức - Thể - Mỹ. Nghĩa là cùng với thể chất khỏe mạnh, lối sống đẹp, tinh thần yêu nước, ham học hỏi, người Việt Nam thời đại mới cần phải là người có tri thức. ĐẠO ĐỨC và TRÍ TUỆ là đôi chân song hành tạo nên “chất giá trị Việt Nam” trong mỗi người.

Bên cạnh ưu điểm thì chúng ta cũng cần phải nhận diện rõ những mặt hạn chế, thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục những nhược điểm. PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Chúng ta cần khắc phục bệnh coi thường pháp luật, bệnh giả dối, bệnh thành tích, bệnh tham nhũng và “vị đồng tiền” một cách thái quá".

Còn theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Truyền thống đoàn kết của người Việt thể hiện mạnh mẽ trong những trường hợp đặc biệt và nó đã tạo ra những kỳ tích. Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy ở những quy mô nhỏ thì sự liên kết cộng đồng vẫn còn lỏng lẻo, ví dụ như làm việc nhóm”.

Xây dựng và phát huy nguồn lực con người có ý nghĩa quyết định sự thành bại của sự phát triển hay bất cứ công cuộc nào. Chúng ta đã nhận diện và xác định hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Vậy làm gì để các giá trị ấy tỏa sáng và phát huy có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay?

Gia đình là nền tảng của xã hội, xây dựng nền tảng này tốt quyết định sự thành công của sự đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Gia phong là điều vô cùng quan trọng trong xây dựng nền tảng gia đình. Với những tiêu chí cụ thể như con cháu hiểu thảo, vợ chồng thủy chung, anh em thương yêu đùm bọc lẫn nhau, các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau trên kính dưới nhường… Từ trong gia đình được chú trọng xây dựng thì sẽ mở rộng ra xã hội, trở thành phẩm chất chung của người Việt Nam. Vì thế theo tôi xây dựng nền nếp gia phong trong từng nếp nhà là một nội dung cốt lõi trong việc xây dựng gia đình văn hóa mới", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Cũng chính từ việc xác định gia đình là yếu tố quan trọng trong xây dựng những giá trị cốt lõi, nên trong nhiệm vụ chủ yếu thực hiện nghị quyết 33-NQ/TƯ, Bộ VHTT&DL đã nhấn mạnh nhiều thông điệp về gia đình. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Hiện nay Bộ VHTT&DL đã xây dựng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 theo hướng phát triển, bảo vệ những giá trị truyền thống của gia đình như là hiếu thuận, chung thủy, yêu thương gắn bó, bên cạnh đó kết hợp những giá trị hiện đại như tôn trọng, bình đẳng và chia sẻ. Giáo dục lối sống, đạo đức trong gia đình để phát triển gia đình bền vững, hướng tới xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc".

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định tinh thần nhất quán rằng “Văn hóa là nguồn lực nội sinh trực tiếp trong sự phát triển của đất nước” và “con người là trung tâm của mọi nguồn lực”. Đạo đức và tri thức là những yếu tố mấu chốt cấu thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Chúng tôi xin mượn lời của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Ý chí và khát vọng phát triển, chúng ta đã có. Sức mạnh con người, chúng ta không thiếu. Đường lối chủ trương của Đảng, chúng ta có đủ. Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, chúng ta có thể xây dựng. Việc cuối cùng còn lại là quyết tâm thực hiện”.

Mời nghe âm thanh tại đây: