Nguyễn Chiến Thắng là một trong số ít những nhà văn khiêm nhường, lặng lẽ, miệt mài lao động, một cách lao động nghiêm túc và say mê. Sau nhiều năm cầm bút, thành công nhất của ông phải kể đến thể loại tiểu thuyết. Ông viết một cách sâu sắc và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội: Đô thị hoá nông thôn, sự tha hoá của con người trước đồng tiền, những cơn “lốc xoáy” dữ dội đã cuốn người ta đi về nhiều hướng một cách mất kiểm soát; ông viết về vùng đất, vùng văn hoá mà ông đặc biệt gắn bó trong cuộc đời làm ngoại giao của mình: Campuchia.

"Chuyện kể của một Đại sứ" là tập hợp các bài ghi chép tản mạn không nhằm vào một chủ đề trung tâm nào của tác giả Nguyễn Chiến Thắng - người trong suốt cuộc đời làm ngoại giao của mình đã từng là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, kiêm nhiệm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; Angeria kiêm nhiệm Mali và Sahraoui Dân chủ; và Campuchia. Cuốn sách vẫn giữ phong cách, giọng văn, lối tư duy, tình cảm của nhà văn với cuộc đời, với con người. Dù có viết về ai, ở đâu, với những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, thể chế chính trị, người đọc vẫn có thể được ông dẫn dắt để chạm tới những nhân vật của ông một cách tự nhiên và hồn hậu.
Nói về đứa con tinh thần của mình, tác giả Nguyễn Chiến Thắng cho biết, ông ghi lại những câu chuyện mà mình đã gặp và ghi nhớ trong những năm tháng làm Đại sứ ở các nước. Nó cho thấy phần nào cuộc đời, sự nghiệp, vai trò của một đại sứ - người đại diện cho quốc gia, dân tộc ở trên phương diện đối ngoại.

Văn chương của Nguyễn Chiến Thắng giản dị, chất phác, khúc chiết, thuyết phục. Ông viết về sự tha hoá của con người, một cách đau đớn, dằn vặt, nuối tiếc, nhưng nhân hậu. Một giọng văn nhân hậu, một lối tư duy nhân hậu. Văn chương của ông dễ dàng lấy nước mắt từ người đọc bởi sự nhân hậu của câu chuyện, của cuộc đời. Nhưng cũng giàu chất hài hước, sâu cay. Và tuy đọc về cái xấu, cái mất mát, cái băng hoại mà người ta không tuyệt vọng, trái lại, vẫn còn le lói những tin cậy về cái tốt đẹp. Sự tồn tại của cái tốt, cái lương thiện luôn làm cho cuộc sống trở nên ấm áp và cân bằng, xoa dịu, chữa lành những tổn thương.

Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách "Chuyện kể của một Đại sứ" nhà văn Đỗ Bích Thúy cảm nhận văn phong của tác giả Nguyễn Chiến Thắng rất giản dị, thong thả, với cái nhìn nhân hậu, ấm áp, giàu tình người của một người làm chính trị. "Tôi thấy rõ nhân - nghĩa trong cuộc đời làm công tác ngoại giao ở ông Nguyễn Chiến Thắng. Nhưng bởi vì vị đại sứ này lại là một nhà văn nên cái nhìn của ông về mọi sự việc, sự kiện, hay các cá nhân đều rất tinh tế và sâu sắc, nhiều liên tưởng và giàu cảm xúc. Ở đây, dù là sách của một người làm chính trị nhưng lại ít màu sắc chính trị, mà đầy ắp những sắc màu, không gian văn hoá, nhân văn, những chân dung đáng kính, đáng mến, đáng ngưỡng mộ. Cả một cuốn sách 300 trang, trang nào cũng giàu tình cảm, cảm xúc. Ông viết về rất nhiều sự việc và ở trong mỗi sự việc ấy đều có những con người cụ thể. Cuốn sách này được viết giống như là ông lôi các câu chuyện trong túi áo ra vậy. Rất giản dị nhưng cuốn hút".

Với cuốn sách này, người đọc có thể hình dung được phần nào cuộc sống, công việc của một Đại sứ khi ở nước ngoài. Trong cuốn sách, tác giả có nhắc lại một câu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông tâm đắc: "Chúng tôi, những Đại sứ, chúng tôi có chỗ dựa đằng sau mình là cả một lịch sử bốn nghìn năm và một dân tộc anh hùng". Đó là khi một câu chuyện rất buồn, rất đáng tiếc xảy ra ở Algeria. Tham tán thương mại ở Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, ông Bùi Giang Tô bị khủng bố giết hại. Ông Nguyễn Chiến Thắng viết: "Tôi nhớ khi tôi đi trình Thư Uỷ nhiệm ở Sahraoui Dân chủ, lễ tân Sahraoui cho chúng tôi đi thăm sa mạc. Sa mạc có vẻ đẹp lạ lùng lắm, lạ nhất là có những đoá hoa đỏ, đỏ như máu bật lên từ cát khô cằn. Tôi chụp ảnh để làm bưu thiếp gửi về Hà Nội khoe với bạn bè, gọi đó là những bông huyết sa, máu của cát. Những bưu thiếp ấy tôi nhờ anh Tô cầm về. Trong số di vật của anh Tô mà người ta còn nhặt lại được có tấm thiếp tôi gửi, góc thiếp có dính máu. Đấy là những ấn tượng ám ảnh và hiện thực nhất của tôi, một Đại sứ, về chủ nghĩa khủng bố lúc bấy giờ". Cuộc đời người làm công tác ngoại giao đâu phải chỉ toàn những lễ nghi sang trọng đẹp mắt, gây ấn tượng, mà còn bao gồm cả hiểm nguy, nhất là ở những quốc gia cho đến tận thế kỷ 21 này vẫn chưa vắng tiếng súng.

Hoạ sĩ Phạm Hà Hải, người chịu trách nhiệm mỹ thuật, tranh bìa và minh họa cuốn sách cho rằng: "Chuyện kể của một Đại sứ” thực sự là một món quà mà nhà văn trao tặng cuộc sống. Tác giả dắt người đọc đi dọc trở lại năm tháng làm Đại sứ của ông, nhìn qua đôi mắt, trí não, tâm hồn ông để thấy những con người, nơi chốn cùng văn hóa và lịch sử. Từng câu chuyện như từng lớp sóng lấp lánh nối quá khứ và hiện tại. Cuốn sách giống như hai quá trình của một đời Đại sứ- Nhà văn: Thu thế giới vào trong mình để rồi lại trút mình vào thế giới, ở đấy có tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, nỗi khát khao hòa bình hữu nghị và lòng biết ơn nhưng không phải không có chút day dứt buồn".

Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng thường được đồng nghiệp, bạn đọc biết đến với bút danh Thăng Sắc. Ông là người dành trọn cả cuộc đời cho công tác ngoại giao. Ông từng là Đại sứ ở các nước: Pháp, Algeria và Campuchia.

Với văn chương, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ghi chép, bút ký dưới bút danh Thăng Sắc. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Ngụ cư, Chú Tư, Con là ai, Láng giềng, Đi trong lốc xoáy, Những đoá sen màu xanh, Những ngày không em; Chớp mắt cùng số phận; Bút ký: Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao (in chung) và mới nhất là "Chuyện kể của một đại sứ".

Ông có một số tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình.

Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiện nghỉ hưu và sống tại Hà Nội.