Trước “Cô đơn trên Everest”, Di Li đã có “Đảo Thiên đường” (2009), Nụ hôn thành Rome (2015), “Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ” (2017), “Bình minh ở Sahara” (2018). Độc giả, đặc biệt những kẻ mê những hành trình, những cung đường trải khắp Á, Âu sẽ phát cuồng với những địa danh, những trải nghiệm, những xúc cảm mà Di Li đã có. Nhưng có một cảm giác dường như mơ hồ, khó gọi được tên, khó đong đếm được từ những trang du ký này. Chỉ có thể đoán hình như là, phải chăng là vẫn còn thiếu chút chút gì đó giữa những dòng thông tin ngồn ngộn, giữa những chi tiết rất riêng, giữa tràn trề xúc cảm?

Để lý giải, để tìm được câu trả lời này chỉ có thể bằng con đường duy nhất: Hiểu về Di Li. Đọc trinh thám của nàng, sẽ thấy một Di Li tỉnh táo giữa tầng tầng lớp lớp nhân vật chằng chịt, đan xen với vô vàn tình tiết vắt vẻo để đem tới bất ngờ đến phút chót của thể loại.

Gặp Di Li ngoài đời, đặc biệt giữa đám đông, kể cả lúc ở vị trí trung tâm sự kiện, cả lúc nói hay cười thì vẫn bắt gặp một vẻ ngơ ngác, xa xôi như thể tâm trí đang phân tách và phần lớn trong đó đang phiêu lãng chốn nào?

Chừng ấy góc mới tạm đủ cho việc giải mã cảm giác khi đọc du ký của Di Li. Sự tỉnh táo, góc nhìn như muốn bóc tách đến chi tiết, thậm chí cả soi xét từng ngóc ngách khiến những độc giả ít có cơ hội bật cười cùng nàng. Vâng, nụ cười, vũ khí giết chết trinh thám nhưng lại cần, rất cần ở những dòng lãng du.

Chỉ đến: “Cô đơn trên Everest”, kỳ lạ ở chỗ “cô đơn” mà lại hóa giải toàn bộ "một chút thiêu thiếu" cuối cùng đó trong thể loại du ký của Di Li.

“Cô đơn trên Everest” mở đầu bằng thân phận và khép lại cũng bằng thân phận người phụ nữ. Ấn Độ, quốc gia Di Li chọn để mở đầu cuốn du kí với những khu phố “chật kín nhà ổ chuột”. Ở đó, cho đến hôm nay, giữa thế kỉ 21 vẫn tồn tại luật tục: Lo tích cóp sắm hồi môn để con gái được về nhà chồng. May mắn hơn tất thảy những du khách đến Ấn Độ chỉ để ngắm sông Hằng, để ngắm nhìn cuộc sống khốn khổ ở quốc gia đông dân thuộc hàng nhất nhì thế giới, Di Li có những người bạn giúp nàng trải nghiệm cuộc sống dân sinh để thốt lên một câu khiến độc giả bật cười cay đắng: “Nhiều gia đình đằng trai…chủ động đưa ra yêu cầu thách cưới…Vua Hùng nước Việt đọc xong danh mục này chắc phải uống tâm sen an thần mới ngủ được”.

Và rồi nương theo dấu chân Phật giáo, câu chuyện về Everest cứ mở dần mở dần theo nhiều chiều kích khác nhau. Thông tin bắt đầu ngồn ngộn. Nhưng lần này, Di Li thôi không còn ôm đồm. Như người đan len thuần thục, nàng móc nối, đẩy đưa chi tiết một cách tinh tế, điêu luyện.

Một chi tiết buông ra khá khó hiểu liền được dẫn dụ bằng câu chuyện lịch sử rồi có khi lại vắt ngược cảm xúc về khúc đường Đại Cổ Việt nhà nàng thời thơ ấu. Cứ vắt vẻo, mạo hiểm rồi có khi bật cười là những gì độc giả được trải nghiệm suốt hơn 300 trang du ký.

“Cô đơn trên Everest” không hổ danh khi được chọn làm tên toàn tập du ký. Đó là những trang viết đáng được xem là xuất sắc nhất của Di Li khi bắt tay vào dòng du ký. Ở đó vừa có những chỉ dẫn chi tiết đến từng xentimet cho những lữ khách muốn một lần đặt chân lên đỉnh núi khát vọng, có cả những lúc lòng chùng xuống bởi : “…số người bỏ mạng rồi tự hóa thạch giữa thinh không vì chẳng có công cụ nào mang nổi xác về…các thi thể vẫn nguyên áo quần và giày mũ, mà băng giá đã giữ nguyên thanh xuân miên viễn của họ…”

Nhưng có lẽ trường đoạn hay nhất của “Cô đơn trên Everest” phải là lúc đối diện với “Nóc nhà thế giới” để thấy “danh vọng trở nên tầm thường, tiền bạc kỳ thực là phù du, những phiền não ái tình trở thành ngớ ngẩn, mọi thứ mà đám đông trước nay vẫn tung hô, ngưỡng mộ, rồi đối kị dèm pha, tranh giành, thậm chí giết chóc nhau vì nó bỗng hóa ra lom dom, tội nghiệp…”. Một sự vụn vỡ để hồi sinh. Triết học tưởng xa xôi mà hóa ra dễ hiểu nhường nào qua những dòng viết, những so sánh rất đắt từ trải nghiệm đặc biệt của tác giả.

Cơ hội một lần đến Everest như Di Li không nhiều người có được. Nhưng đừng tước bỏ cơ hội cho sự trải nghiệm và cả giác ngộ qua những trang du ký “Cô đơn trên Everest”.