Với chiến lược đi ra nước ngoài trước, “vùng vẫy” ở sân chơi quốc tế xong mới quay về thị trường Việt Nam, định hướng sản xuất các tác phẩm hoạt hình độc lập mang âm hưởng văn hóa và lịch sử Việt Nam, DeeDee Animation Studio – một Studio hoạt hình chất lượng quốc tế của Việt Nam - dù mới thành lập được 7 năm nhưng đã khẳng định được vai trò của công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong kỷ nguyên số và đạt được những thành công nhất định. Đến nay, DeeDee đã và đang làm việc với các “ông lớn” trong mảng sản xuất hoạt hình trên thế giới như Disney Animation Studio, Warner Bros, Shin-ei Animation (studio sản xuất Doraemon), TNS (Studio sản xuất Conan - thám tử lừng danh), 6 point Harness (Studio đoạt giải oscar cho phim ngắn Hair Love...) Trong suốt nhiều năm, DeeDee đã đưa ra quan điểm duy trì một đội ngũ sáng tạo, nhiệt huyết, luôn đặt ra mục tiêu chung là cùng nhau đưa hoạt hình Việt Nam nói chung và DeeDee nói riêng ra thế giới. Nhiều bộ phim hoạt hình chất lượng của DeeDee tiếp cận với khán giả trong nước và quốc tế, đoạt được nhiều giải thưởng, nâng cao nhận thức của khán giả về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Theo chị Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập, Giám đốc vận hành, Nhà sản xuất của DeeDee Animation Studio, để sớm khẳng định được thương hiệu và tạo uy tín trên thị trường quốc tế không phải là điều đơn giản đối với 1 doanh nghiệp nhỏ và trẻ như Dee Dee: "Khi đi ra thị trường nước ngoài thì chúng ta có được rất nhiều. Đầu tiên là được học hỏi chuyển giao công nghệ và đạt được chất lượng quốc tế. Thứ hai là kết nối và mở rộng quan hệ. Điều cuối cùng mà cũng rất quan trọng là mình có thể tiếp cận được vốn nhà đầu tư. Bất cứ một ngành nào kể cả hoạt hình hay kể cả chuyện tranh hay xuất khẩu bất cứ cái gì đấy thì đều sẽ phải có hai yếu tố tiên quyết khi mình bước ra bên ngoài. Đó là phải cực kỳ chủ động. Chúng ta chưa có một công ty nào hay nhiều công ty nào đi trước chúng ta để chúng ta có thể học hỏi để có thể lấy kinh nghiệm thì chúng ta phải cực kỳ chủ động sẵn sàng dám dấn thân, sẵn sàng dám thử và thử thất bại chỗ này chúng ta đi chỗ khác. Đấy là yếu tố đầu tiên, yếu tố thứ hai phải cực kỳ tỉnh táo và cẩn trọng".
Ngược lại với DeeDee Animation Studio từ trong nước vươn ra thế giới, Universal Music là một công ty âm nhạc lớn toàn cầu, thuộc sở hữu bởi Tập đoàn truyền thông Vivendi, S.A. của Pháp đã chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2020. Universal Music Group sở hữu Universal Music Publishing Group, là công ty xuất bản âm nhạc lớn thứ hai trên thế giới. Có nhiều nghệ sĩ hợp tác, ký hợp đồng với Universal Music như Taylor Swift, Lady Gaga... Ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận nghệ sỹ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music Việt Nam đánh giá rất cao thị trường âm nhạc Việt Nam trong nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo: "Thị trường Việt Nam phải nói là tiềm năng thứ nhì của Đông Nam Á, nếu chúng ta phát triển đúng tiềm năng của mình, thị trường Việt Nam nó còn sôi động gấp 10 lần bây giờ, nghệ sĩ còn có thể làm rất nhiều điều tuyệt vời. Nghệ sĩ Việt Nam họ cũng sẽ cần những cú bắt tay cần phải được tiếp xúc và làm nhà theo cách của nước ngoài và mở rộng thị trường của mình và với sự phát triển của các nền tảng số hiện tại thì mọi thứ không có gì là không thể, chúng ta hoàn toàn không có một cái biên giới hay không có vách ngăn nào hết. Với việc chúng ta bắt đầu có những nền tảng streaming quốc tế và với tik tok, bây giờ cái cũng như mọi ngành nghề khác thôi, tôi nghĩ là bây giờ cơ hội đang chia đều ra cho tất cả. Bạn không cần phải đầu tư MV tiền tỷ mà bây giờ âm nhạc của bạn có thể được lắng nghe tất cả mọi nơi và có thể đến từ những nền tảng streaming, có thể đến được từ những người nghe nhạc. Và ngược lại là có những bài hát đã từ rất lâu rồi không phải chỉ Việt Nam không mặc kể cả trên thế giới, bỗng dưng nó được trending trên tik tok và nó không có một biên giới nào cả".
DeeDee Animation Studio và Universal Music là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của VN trong môi trường số. Có thể thấy, cơ hội lớn nhất của các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam là xu hướng tiêu dùng sáng tạo trên các nền tảng trực tuyến ngày càng chiếm lĩnh nền kinh tế sáng tạo toàn cầu như hiện nay. Cơ hội thứ hai là sự lớn mạnh của thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hoá trên nền tảng số. Cơ hội thứ ba là tăng khả năng sáng tạo và tiếp cận các sản phẩm văn hoá và sáng tạo cho người sáng tạo và người tiêu dùng các sản phẩm sáng tạo. Cơ hội thứ tư là hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống. Theo ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận nghệ sỹ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music Việt Nam, điều này càng được thấy rõ nét hơn trong ngành âm nhạc: "Ví dụ như nghệ sĩ Việt Nam Tlinh, bạn ấy đang phát hành qua hệ thống phát hành UM thì phát hành chung một hệ thống với Taylor Swift, Justin Bieber…, tức là cách vận hành nó, cùng 1 hệ thống. Nghệ sĩ Việt Nam họ cũng sẽ cần những cú bắt tay, cần phải được tiếp xúc và làm nhà theo cách của nước ngoài và mở rộng thị trường của mình. Với sự phát triển của các nền tảng số hiện tại thì mọi thứ không có gì là không thể, chúng ta hoàn toàn không có biên giới hay không có vách ngăn nào hết".
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, cũng có không ít khó khăn và thách thức để phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong thời kỳ công nghệ số ở Việt Nam. Ngoài hạn chế về hệ thống chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực cạnh tranh, dữ liệu số và nguồn nhân lực số, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN, việc hiểu được bản chất, có nhận thức đúng đắn và kinh nghiệp thực hành công nghiệp văn hóa cũng là 1 trong những hạn chế mà chúng ta cần nhìn nhận và thay đổi: "Chúng ta chưa có bề dày lịch sử phát triển CNVH và những người tham gia vào quá trình này coi như 1 ngành công nghiệp thì chưa có sự đồng cảm trong từng khâu. Bởi vì chúng ta chưa hiểu bản chất các ngành CNVH là gì khi nó gắn với môi trường công ghệ số nên chúng ta chưa có hệ sinh thái ở đó có sự lưu thông về mặt nhận thức. Khi chúng ta chưa nắm được bản chất, chưa có nhận thức và chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hành thì khát vọng thì có, mong muốn thì nhiều nhưng kỹ năng và kiến thức chưa mạnh".
Còn theo ông Hoàng Long Huy – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp VH, Cục bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL, việc phát triển chưa thống nhất trong các ngành thuộc công nghiệp VH là 1 trong những hạn chế cần tính đến: "5 ngành của Bộ VH vẫn đang triển khai, nhưng 7 ngành còn lại rất là khó khăn, bản thân nhận thức chung những ngành không thuộc Bộ VH: VD Thủ công mỹ nghệ, phát thanh truyền hình, phần mềm trò chơi, giải trí… từ trước đến nay họ vẫn làm và làm vẫn tốt. Tuy nhiên, để là 1 sản phẩm của CNVH vẫn chưa đạt được. Để làm được chính xác trọng tâm hơn, chúng ta phải chọn ra được những ngành cốt lõi, bản thân mỗi ngành đó chọn ra 1 số sản phẩm đặc trưng…"
Các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam với hạt nhân là những cá nhân sáng tạo, nghệ sỹ, người giáo dục sáng tạo, nhà quản trị, người kiến tạo luật pháp, doanh nhân sáng tạo… cần phải đi cùng nhau “để biến những thách thức này thành các cơ hội tương xứng – và chủ động – chuẩn bị cho những ảnh hưởng và tác động của chúng” bằng cách tiếp tục nâng cao nhận thức và sự hiểu biết đa chiều, xây dựng trên một sự hiểu biết chung theo hướng tích cực, bao quát và toàn diện về cách định hình kỷ nguyên số và tiến hành tái cơ cấu hệ thống nền kinh tế, chính trị và xã hội để tận dụng tất cả lợi thế cơ hội mà công nghệ số mang lại.
Mời các bạn nghe bài viết tại đây: