"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…"

Mỗi ngày, chúng ta đều phải chứng kiến xung quanh mình, trên báo chí, các trang mạng xã hội… sự gia tăng không ngừng của tình trạng bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội. Thật chua xót khi phải thừa nhận rằng: bạo lực có ở khắp mọi nơi. Ngoài xã hội, trong môi trường học đường, thậm chí ngay cả… trong nhà – nơi mà những người thân thích ruột thịt cũng sẵn sàng “xuống tay” sát hại nhau không chút do dự, mà đôi khi chỉ vì những lý do hết sức vụn vặt.

Những lối ứng xử lệch lạc, thiếu văn hóa, thiếu tình người đến mức dã man, phi nhân tính đã khiến nhiều người phải tự hỏi, điều gì đã và đang xảy ra? Phải chăng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, phai nhạt, “đứt gãy” các giá trị văn hóa truyền thống vốn có? Để rồi lại phải tiếp tục với giấc mơ “kinh tế như ngày nay - còn văn hóa, đạo đức xã hội thì như ngày xưa”.

Những câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử, sự xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, nhân cách ở một bộ phận người dân… liệu ngành văn hóa, các cán bộ quản lý văn hóa có biết không? Xin thưa: Biết, thậm chí là biết rõ!

Còn nhớ tại một phiên chất vấn của Quốc hội cách đây nhiều năm, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL khi đó là ông Nguyễn Ngọc Thiện đã khiến dư luận phải “dậy sóng” khi phân trần: Đạo đức xã hội xuống cấp xuất phát từ kinh tế. Thậm chí, ông còn dự liệu: “Nếu cứ để ngành văn hóa tự loay hoay thì đến nhiệm kỳ sau, ai làm Bộ trưởng cũng sẽ lại bị chất vấn về vấn đề này”.

Và buồn thay, ông đã dự liệu đúng! Không biết đạo đức xã hội xuống cấp có phải xuất phát từ kinh tế như ông nói hay không, nhưng đúng là nó chưa bao giờ hết “nóng”.

Thế nên hiện tại, bàn đến câu chuyện chấn hưng văn hóa, người ta nghĩ ngay đến yếu tố con người - xây dựng, phát triển văn hóa trước hết phải từ con người. Điều đó thì hẳn đã rõ mười mươi, nhưng làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Ngay cả với những nhà quản lý văn hóa, xem ra cũng còn lúng túng.

Để có một kết quả văn hóa thì cần phải có một thời gian nhất định, phải hết sức kiên trì, bền bỉ...

Đây là một câu chuyện hết sức phức tạp, nếu chỉ mình ngành văn hóa thì sẽ không thể giải quyết được.

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ đâu? Đó quả là câu chuyện còn rất nhiều lúng túng.

Xin đừng “vì khó mà bó khôn”

Ngược dòng lịch sử để thấy, thực tế là không phải tới thời đại Hồ Chí Minh, mà trước đó, qua các triều đại các đời vua đều rất quan tâm tới vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng đất nước thông qua việc vun đắp, hoàn thiện nhân cách con người. Trong đó tiêu biểu có lẽ phải kể đến thời Hồng Đức với quan điểm “đức trị” của vua Lê Thánh Tông.

Thời kỳ này, xã hội ở vào giai đoạn nhiễu nhương trước sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng đến từ nạn tham quan ô lại, nịnh thần tràn lan, những cuộc thanh trừng đẫm máu của nhiều nhóm phe phái… khiến người dân không khỏi mất niềm tin và bất an trước thời cuộc. Vậy vua Lê Thánh Tông đã có bí quyết gì để “vực dậy” đất nước? Để rồi lịch sử và hậu thế phải hết lời ngợi ca “thời Hồng Đức là đỉnh cao của vương triều Hậu Lê”, là “khuôn vàng thước ngọc của một vương triều”?

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, sở dĩ thời kỳ này được xem là đỉnh cao của nền văn hiến Đại Việt, cũng bởi một chữ "nhân" - và đó chính là nguồn gốc quan điểm "đức trị" của vua Lê Thánh Tông. "Trước những rối ren của xã hội lúc bấy giờ, vua Lê Thánh Tông đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh kỷ cương văn hóa, uốn nắn lại những lệch lạc mà trước đây dưới ách thống trị nhà Minh, người phương Bắc đã áp đặt lên dân chúng ta. Kể cả các phong tục tập quán, nghi lễ trong dân gian cũng được uốn nắn lại. Rồi một loạt các chính sách cầu người hiền, người tài, thông qua việc tổ chức khoa cử, đào tạo, tuyển chọn nhân tài".

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Tung, trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hôm nay, chúng ta càng phải đề cao ngọn cờ đức trị. Quan điểm đó phải luôn được thấm sâu vào từng chính sách, từng chiến lược...

Những câu chuyện lịch sử xưa mà không cũ, luôn để lại những bài học quý giá cho cuộc sống hôm nay. Xã hội hiện đại, hội nhập, chúng ta thấy không chỉ có bạo lực mà rất nhiều hành vi khác như là mê tín dị đoan, sính ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, sự “lên ngôi” của lối sống thực dụng, ưa vật chất, hay các vấn đề liên quan đến thách thức an ninh văn hóa…

Tất cả đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ đề này với bài viết "Phát triển văn hóa - Lấy gốc từ hoàn thiện nhân cách con người". Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.