Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong số đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là dấu mốc rất lớn trong lịch sử dân tộc ta. "Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, dưới chế độ thực dân, dân ta hoàn toàn không có quyền cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Chính phủ lâm thời phải tổ chức cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để định ra một hiến pháp từ đó xác nhận những quyền cơ bản của công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chỉ khi đó dân ta mới có quyền công dân, là chủ nhân của nước Việt Nam độc lập và tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi bằng lá phiếu của mình, mỗi người công dân Việt Nam không những thể hiện năng lực làm chủ đất nước mà còn như một viên đạn bắn vào ý chí xâm lăng của thực dân Pháp lúc đó đang tiến hành cuộc tái chiếm nước ta".

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Do vậy, đây không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc), Việt cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi. Chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23-12-1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6-1-1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước bầu được 333 đại biểu trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.

Có thể nói, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam phấn đấu cho một quốc gia độc lập, thống nhất, vì cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước ta. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã chứng minh sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân - lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình.

Mời nghe bài viết dưới đây: