Chiều 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, họa sĩ Phan Ngọc Khuê tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”, bao gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Bộ tranh này hoạ sĩ Phan Ngọc Khuê được bà chủ hiệu tranh Thanh Anh - một hiệu tranh danh tiếng ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX tặng, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau đó suy tàn vào nửa cuối thế kỷ XX. Tranh dân gian Hàng Trống là thú chơi tao nhã, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Thành xưa.
Chủ đề của tranh Hàng Trống rất đa dạng và phong phú nhưng chủ yếu là hai đề tài chính: tranh thờ và tranh Tết. Tuy nhiên, theo thời gian xuất hiện thêm nhóm tranh thứ 3 là tranh thế sự. Riêng tranh truyện Hàng Trống được vẽ theo các tích truyện cổ như: Chiến quốc, Sơn hậu, Tam quốc, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ...
Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập “Tranh truyện Hàng Trống” của ông chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu và đặc biệt là sự kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa độc đáo của người Kinh kỳ xưa. Những nét khắc của tranh Hàng Trống từ lâu đã được đánh giá cao cả về kỹ thuật cũng như chất lượng, đường nét của tranh rất mềm mại và tinh xảo.
Đã rất lâu rồi công chúng mới có cơ hội tiếp xúc với dòng tranh truyện Hàng Trống dù nó đã tồn tại cách đây cả 100 năm. Do những biến chuyển của đời sống, chiến tranh, dòng tranh này gần như không được in từ năm 1954. Vì vậy, trong lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ”. Bộ tranh nằm trong số sưu tập tranh được giới thiệu trong Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” lần này.
"Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi - anh kiệt, chuyển tải được tinh thần của truyện và ý tưởng của tác giả là ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa; đề cao giáo dục về nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại. Bộ tranh góp phần giúp công chúng nhìn lại những tấm gương cao đẹp của người xưa trong di sản văn hóa dân tộc", họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ.
Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét, lấy hình, còn màu được tô theo kỹ thuật vờn màu. Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu bằng tay. Từ các bản khắc gỗ, những bức tranh đã được in ra bằng mực Tàu mài nguyên chất. Do cách tô màu bằng tay cho nên tranh Hàng Trống có đặc điểm mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng, uyển chuyển.
Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” mang thông điệp ý nghĩa về bảo tồn và phát huy tranh Hàng Trống - một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hiến ngàn đời của Thăng Long - Hà Nội, vốn di sản quý báu của dân tộc Việt Nam.