Vào cuối thể kỷ 18, khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ thực hiện khởi nghĩa Tây Sơn và xưng vương, tạo nên một triều đại có những đóng góp quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là một nhà quân sự tài ba, mà còn là một nhà cải cách có tầm nhìn xa trông rộng, đưa ra nhiều chính sách tiến bộ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Cộng sự cùng vua trong công cuộc trị nước bình thiên hạ có 4 vị quan được coi là “Tứ kiệt triều Tây Sơn” đó là Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở. Trong đó, Ngô Văn Sở được Hoàng đế Quang Trung phong đến chức Đại Tư mã, giao cho nhiệm vụ cai quản Bắc Hà.

Theo các nguồn tư liệu lịch sử, danh tướng Ngô Văn Sở, trong phả tộc có tên là Ngô Văn Tàng, khi ký giấy tờ bang giao lấy tên là Ngô Hồng Chấn. Ông người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay thuộc phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai. Ngô Văn Sở vốn gốc Trảo Nha, huyện Thạch Hà, nay là xã Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là con cháu Tào Quận công Ngô Phúc Vạn.
Cha của Ngô Văn Sở là Ngô Văn Diễn, giữ chức Khinh xạ Vệ úy triều Lê - Trịnh, trấn giữ đất Quảng Nam. Ông nội là Ngô Mãnh, từng làm quan đến chức Đô Thống thời Chúa Nguyễn, trấn đóng nơi địa đầu Linh Giang và Trường Dục. Do tính cương trực, không chịu luồn cúi nên bị Trương Phúc Loan tìm cách hãm hại, vu cho tội thông đồng với Chúa Trịnh, bị tước thu binh quyền, tịch thu gia sản và phải tội lưu đày. Sau trốn được cảnh ngục tù, không trở về quê hương, cùng cháu nội thay tên đổi họ, lưu lạc đến đất Tây Sơn. Khi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Ngô Văn Sở đến xin góp sức góp tài, nhờ võ dũng và mưu lược, ông được Tây Sơn vương trọng dụng.
Với những tư liệu nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Văn Xuân cho biết, là một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, Ngô Văn Sở 2 lần được tấn phong chức quan Đại Tư mã: “Vào năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh Nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Ngô Văn Sở chức Đại tư mã. Đây là chức quan có nhiều quyền hành, thống lĩnh quân đội trong triều đình. Năm 1787 Ngô Văn Sở cùng Tiết chế Vũ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Vũ Văn Nhậm sinh lòng phản trắc bị Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giết, Ngô Văn Sở lại được cử làm Đại tư mã, giao trọng trách trông coi 11 trấn Bắc Thành”.
Năm 1775, ông theo Nguyễn Huệ đánh tan hơn hai vạn quân Nguyễn do tướng Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên cầm đầu. Kể từ lúc ấy, Ngô Văn Sở trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Bộ chỉ huy quân Tây Sơn. Cùng tham gia Bộ chỉ huy này còn có các Đô đốc như Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết và các văn thần, nổi bật là Ngô Thì Nhậm.
Khi xảy ra biến sự Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản, Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc tiêu diệt, nhưng cũng đồng thời cử Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm Tham tán để chia sẻ quyền lực với Vũ Văn Nhậm, vì Nhậm là con rể của vua anh (tức Nguyễn Nhạc). Tháng 11 năm 1787, Ngô Văn Sở đem quân hợp sức cùng Vũ Văn Nhậm đánh úp được tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Duật (trấn thủ Thanh Hóa) rồi thừa thắng kéo quân ra Bắc.

Sau khi tiêu diệt được Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm tự cho mình nhiều quyền hành như: tự đúc ấn chương, chuyên quyền trong việc sắp đặt công việc. Ngô Văn Sở rất bất bình về những việc này. Trước đó, khi mới tiến quân ra Bắc, Vũ Văn Nhậm tỏ ra bất hợp tác với Ngô Văn Sở. Cộng tất cả các chuyện trước và sau khi dẹp xong Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Văn Sở viết một bức thư báo cáo toàn bộ sự việc với Nguyễn Huệ. Tháng 4 năm 1788, Nguyễn Huệ tự đốc suất thân binh vượt ngàn dặm ra Thăng Long tiêu diệt Vũ Văn Nhậm. Việc xong, Nguyễn Huệ phong Ngô Văn Sở làm Đại tư mã, quản lãnh binh chúng, kiêm trấn phủ thành Thăng Long.
Năm 1788, khi mấy chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta, Ngô Văn Sở đem quân rút về phòng tuyến Tam Điệp (theo kế sách Ngô Thì Nhậm) để bảo toàn lực lượng. Đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và lại kéo quân ra Bắc, Đại tư mã Ngô Văn Sở được bên cạnh vua Quang Trung để cùng chỉ huy quân lực đánh chiếm hai thành trì quan trọng là Hạ Hồi và Ngọc Hồi.

Nhờ lập nhiều công lao, nên Ngô Văn Sở được nhà vua phong tới tước Ích Quốc công, và được cử làm Trấn thủ Thăng Long sau khi quân Thanh cùng vua quan nhà Lê rút chạy. Là một trong “Tứ kiệt” dưới triều Tây Sơn, Đại Tư mã Ngô Văn Sở rất được vua Quang Trung trọng dụng. Rất nhiều câu chuyện được ghi chép trong sử sách khẳng định điều này.
Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, trước khi về lại Phú Xuân, trong buổi trao quyền cho Ngô Văn Sở, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã nói: "Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau".
Không chỉ là một tướng tài, Ngô Văn Sở còn có tài ngoại giao và được cử dẫn đầu phái đoàn 100 người đưa giả vương Phạm Công Trị sang Yên Kinh nhà Thanh dự lễ Bát tuần đại thọ vua Càn Long vào năm 1790. Tại đây đoàn sứ bộ đã lập được công trạng giữ yên hòa khí. Ngoài ra, khi được giao cai quản 11 trấn Bắc Hà, Trấn Quận Công Ngô Văn Sở còn thể hện là một vị quan đa tài với nhiều chính sách tiến bộ. Dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc nhanh chóng ổn định, đi vào nền nếp. Ông thi hành nhiều chính sách tích cực, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện... nên có uy tín lớn đối với nhân dân.
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Ngô Văn Sở được thăng chức Đại đổng lý, tước Quận công và vẫn giữ Bắc Hà. Do nhà vua còn nhỏ, quyền hành nhanh chóng rơi vào tay người cậu vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục. Trong một cuộc đấu tranh nội bộ nơi vương triều vào năm 1795, Đại đô đốc Võ Văn Dũng đã sai quân bắt cha con Bùi Đắc Tuyên hạ ngục. Cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng đã làm giả chiếu vua triệu ông về Phú Xuân. Ông bị khép vào tội mưu phản và bị hãm hại. Vua Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan nhưng cũng bất lực. Đây là một cái chết oan khiên đối với một trong những công thần hàng đầu của Vương triều Tây Sơn.

Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của quan Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Nguyễn Trọng Trì thế kỷ 19 có đoạn chép: “Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Thường ngày, ông yêu kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân”.
Với hậu duệ Ngô tộc, ông là một trong những tấm gương rất đáng tự hào về lòng trung nghĩa. Để phát huy truyền thống dòng họ, Hội đồng Ngô tộc Việt Nam rất chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống.
Ngày nay, Đại Tư mã Ngô Văn Sở được thờ tự tại từ đường chi họ Ngô ở phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai, là nơi để con cháu Ngô tộc tề tựu hàng năm “ôn cố tri tân” phát huy truyền thống dòng họ, góp sức xây dựng đất nước xứng danh với bậc tiền nhân.