Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm gan virus B và C là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Điểm đáng sợ là phần lớn bệnh nhân không phát hiện mình mắc bệnh vì các triệu chứng thường âm thầm, dễ bị bỏ qua.

Tại Việt Nam, số liệu ước tính cho thấy gần 8 triệu người đang sống chung với viêm gan virus B, chưa kể hàng triệu người khác mắc viêm gan C. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về căn bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp phát hiện muộn, bệnh đã chuyển biến nặng hoặc biến chứng nguy hiểm.

Những câu chuyện là hồi chuông cảnh báo

Ghi nhận tại Khoa Viêm gan - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, câu chuyện của bà Đỗ Thị Chiên, 60 tuổi, ở Ninh Bình, là minh chứng rõ rệt. Bà Chiên phát hiện mình mắc viêm gan B khi tình cờ đi khám vì thấy mệt và vàng da.

“Từ đầu năm tôi bị cảm, thấy da hơi vàng vàng mới đi khám thì phát hiện viêm gan, cũng không nghĩ bị viêm gan. Bác sĩ nói cũng sợ lây sang con cháu…”, bà Chiên chia sẻ.

Khi nhập viện, bà Chiên đã bị biến chứng sang xơ gan và giãn tĩnh mạch thực quản - biến chứng có thể gây vỡ tĩnh mạch, đe dọa tính mạng.

Không chỉ phát hiện muộn, nhiều bệnh nhân còn tự ý bỏ điều trị, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp ông T., 54 tuổi, ở Đắk Lắk là điển hình. Sau khi điều trị bằng thuốc kháng virus được một thời gian, ông T. đã bỏ thuốc để chuyển sang dùng thuốc nam với lời quảng cáo sẽ “chữa khỏi tận gốc”.

“Mình làm nông không hiểu biết nhiều, có bỏ thuốc 2 tháng vì người ta mách uống thuốc đông y sẽ khỏi. Nó không khỏi mà nó bùng lên. Giờ sợ rồi, không dám uống thuốc nam nữa…”, ông T. nói.

Hậu quả là chỉ sau hai tháng tự ý bỏ thuốc, ông T. nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, vàng da, vàng mắt, men gan tăng cao gấp nhiều lần, phải lọc huyết tương liên tục và đang chờ ghép gan mới có hy vọng hồi phục.

Theo BS Đặng Văn Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là thực trạng không hiếm gặp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:“Việc ngừng thuốc viêm gan B sẽ làm virus tái hoạt động trở lại, phá hủy tế bào gan rất nhanh. Bệnh nhân này đã lọc huyết tương 5 lần nhưng không cải thiện nhiều. Nếu không được ghép gan, nguy cơ tử vong trong 1-2 tháng tới là rất cao”.

Hiện nay, viêm gan B chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Thuốc kháng virus chỉ có tác dụng kìm hãm, giữ cho virus ở trạng thái “ngủ yên”. Khi người bệnh tự ý dừng thuốc, virus sẽ bùng phát trở lại, tấn công tế bào gan, gây xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong nhanh chóng.

Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm gan B phải tuân thủ phác đồ điều trị suốt đời, khám định kỳ để theo dõi tải lượng virus, chức năng gan.

Rào cản nào ngăn mục tiêu chấm dứt viêm gan?

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% trẻ sơ sinh được tiêm vaccine viêm gan B, 90% người nhiễm được phát hiện và 80% bệnh nhân đủ điều kiện được điều trị.

Nhưng theo BS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc đạt mục tiêu này rất khó nếu chúng ta không cải thiện tỷ lệ tầm soát, sàng lọc, quản lý ca bệnh và tiếp cận thuốc điều trị ở tuyến cơ sở.

"Hiện nhiều người không biết mình mắc bệnh, hoặc biết rồi nhưng giấu vì sợ kỳ thị. Thứ hai là tỷ lệ phát hiện muộn còn cao, rất nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi đã có biến chứng xơ, gan, ung thư gan. Thứ 3 là chi phí điều trị cũng là rào cản không nhỏ”, BS Nguyễn Văn Tuấn phân tích.

Giải pháp đồng bộ

Những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách trong công tác phòng chống viêm gan virus như: Chiến lược quốc gia phòng chống viêm gan virus giai đoạn 2020-2030, thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan B, C phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chính sách bảo hiểm y tế đã chi trả một phần chi phí thuốc kháng virus...

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vẫn còn không ít rào cản. Việc duy trì tỷ lệ sàng lọc và quản lý người bệnh viêm gan mạn tính cần sự đầu tư đồng bộ hơn, nhất là ở tuyến xã, phường. Cùng với đó, việc đảm bảo nguồn thuốc kháng virus ổn định, mở rộng danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả cũng là yếu tố then chốt để người bệnh có thể điều trị liên tục, tránh tái phát và biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống viêm gan virus, BS Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo những biện pháp người dân và cộng đồng có thể chủ động thực hiện như: phụ nữ mang thai cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan và tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu cho trẻ sơ sinh. Đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao như người có truyền máu trước năm 1993, người có người thân trong gia đình bị viêm gan B,C, người nghiện chích ma túy cần được sàng lọc viêm gan B,C định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần.

BS Tuấn cũng nhấn mạnh, bệnh viêm gan B và C chỉ lây truyền qua 3 con đường đó là: từ mẹ sang con, tình dục không an toàn và lây truyền qua đường máu. Bệnh viêm gan không lây qua đường ăn uống hay tiếp xúc hàng ngày. Chính vì vậy, người dân và cộng đồng cần nhận thức đúng để không kỳ thị với người bệnh. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh mạnh dạn tầm soát và phát hiện sớm viêm gan.