Triển lãm “Thành xưa Phố cũ” giới thiệu khoảng 150 tài liệu, hình ảnh, được chia làm 2 chủ đề chính: “Thành bên Phố” và “Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây”. Qua tài liệu lưu trữ, đặc biệt là khối tài liệu tiếng Pháp, triển lãm tập trung làm nổi bật những diễn biến, thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Triển lãm giới thiệu chi tiết một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn của công trình kiến trúc Pháp trong lòng đô thị như: Phủ Toàn quyền Đông Dương; Ga Hà Nội; Trường Albert Sarraut; Sở Tài chính Đông Dương; Sở Bưu điện Hà Nội; Tòa án Hà Nội; Tòa án Thành phố; Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Trong đó, triển lãm giới thiệu nhiều tư liệu quý đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và nhiều đơn vị khác, tiêu biểu như: Bản đồ thành Hà Nội năm 1873; Sơ đồ thành Hà Nội năm 1831; Bản dụ của Vua Đồng Khánh; các Bản đồ Hà Nội 1902, 1915, 1936, 1942… cho thấy sự thay đổi của địa giới Hà Nội trong quá trình, quy hoạch, mở rộng của người Pháp.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, thông qua các hình ảnh, tư liệu quý giá, triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng quá trình quy hoạch, xây dựng của Hà Nội giai đoạn này, với sự chuyển đổi công năng của Thành Hà Nội và hình thành các tuyến phố mới.

Sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này. Tại đây người Pháp đã bắt đầu cho xây dựng các cơ quan hành chính đầu não của bộ máy chính quyền thực dân các cấp của Hà Nội như Tòa thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Nhà băng Đông Dương, Sở Bưu điện Hà Nội xung quanh đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng ), phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay ) và đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền)...

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu cho quy hoạch và xây dựng thành phố Hà Nội trên cơ sở kinh đô Thăng Long cũ, trong đó tâm điểm là thành Hà Nội. Ngoài được giữ lại một số công trình như: Kỳ Đài, Đoan Môn, thành bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc... thì người Pháp đã cho quy hoạch và xây dựng lại diện mạo của thành phố. Một đô thị truyền thống kiểu Á Đông đã dần biến đổi và giao hòa với những không gian mới, kiến trúc mới kiểu phương Tây. Những khu phố mới, những trung tâm chính trị, hành chính mới được xây dựng lên, người Pháp cũng dần mở rộng thành phố về phía Tây và phía Nam.

Đặc biệt, cùng với kế hoạch phá hủy thành Hà Nội, người Pháp đã từng bước xây dựng một trung tâm chính trị lớn mang tính biểu tượng của chính quyền thực dân trên toàn cõi Đông Dương tại khu vực phía Tây thành Hà Nội. Những tuyến phố mới theo kiểu châu Âu đã được mở, như: phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), Đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), Đại lô Républicque (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovanelli (nay là phố Lê Hồng Phong)...

Bên cạnh đó, tại khu vực này, người Pháp đã cho xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương (1901 - 1905), Sở Tài chính Đông Dương (1925 - 1928), Trường Albert Sarraut (1915). Qua đó, Hà Nội đã dần thay đổi từ đô thị của nhà nước phong kiến độc lập trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, triển lãm “Thành xưa phố cũ” đem lại cho công chúng một cơ hội để đắm chìm trong những ký ức đáng nhớ về Hà Nội xưa. "Triển lãm này rất đặc trưng với một giai đoạn lịch sử quan trọng, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX khi mà thành phố bắt đầu khẳng định vị trí của mình. Đến với triển lãm, công chúng sẽ được quay về quá khứ, như bước vào một cuốn sách lịch sử sống động, với hình ảnh, tư liệu, bản đồ và bản vẽ kỹ thuật vô cùng quý giá".

Thạc sĩ Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, đây là một cuộc triển lãm bài bản khoa học và có tính nghiên cứu rất cao, có sự kết nối với những tài liệu đầu tiên công bố tại Hoàng Thành Thăng Long. "Nếu nói về tài liệu để nghiên cứu thì rất nhiều và nhỏ lẻ. Tuy nhiên, triển lãm đi theo một câu chuyện kể về thành xưa phố cũ. Nên tôi nghĩ rằng, tính giáo dục cũng như tính văn hóa, lịch sử của cuộc triển lãm sẽ lan tỏa mạnh mẽ đối với những công chúng đến thăm quan triển lãm".

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 6/10 đến hết năm 2023, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.