Theo các tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học VN, vào nửa cuối thế kỷ XIX, khi vua Tự Đức trị vì (1847 - 1883), giặc biển hoành hành trên nhiều vùng biển thuộc hải phận nước ta và trở thành ''vấn nạn" của triều Nguyễn. Đặc biệt, cướp biển Tàu Ô đã hoạt động một cách công khai, ngang nhiên ngăn chặn các tàu vận tải, tàu buôn đi lại trên vùng Biển Đông. Quan trị nhậm tại các tỉnh ven biển như Hải Dương, Quảng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An... liên tục nhiều năm cấp báo tình hình cướp biển đe dọa, tấn công địa phương mình.

"Để đối phó với thực trạng căng thẳng này, triều Nguyễn nhiều lần cử các tàu chiến bọc đồng và cả tàu thủy chạy bằng hơi nước với đầy đủ quân lính trang bị vũ khí thường xuyên tuần tiễu trên biển và hỗ trợ các địa phương, nhưng tình hình an ninh ngoài khơi vẫn liên tục bị nhiễu nhương. Sách “Đại Nam thực lục” (Bộ sử liệu quan trọng của triều Nguyễn) có ghi chép rất nhiều về những vụ việc này" - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

Cụ thể, vào tháng 2 năm Tự Đức thứ 18 (1865), giặc biển đem hơn 50 chiến thuyền cùng súng và khí giới tràn vào ngoài khơi vùng biển Biện Sơn, Thanh Hóa, quan dân tại đây đã nỗ lực, song do thuyền đi tuần ít, lại thô sơ không đủ sức chống lại, nên phải gấp rút xin triều đình đưa thêm thuyền và quân lính tới giúp. Nhà vua phái ngay hai chiếc thuyền đồng là Thần Giao (vốn chuyên trách việc tuần tiễu từ Quảng Bình đến Quảng Nam) và thuyền Tĩnh Dương (phụ trách tuần tiễu từ Hà Tĩnh đến Nam Định) cùng 3 chiến thuyền khác đến ngay Thanh Hóa hội họp đánh giặc. Kết cục, thuyền Thần Giao bị đánh đắm, viên Quản cơ Nguyễn Trì cùng hơn 100 lính bị chết đuối. Năm 1871, đám giặc Hoàng Tề liên hệ với đảng giặc Tô Tứ đưa bọn giặc cùng hơn 70 chiếc thuyền đến đậu tại vùng biển Cát Hải, Hải Phòng, lợi dụng cơ hội tràn vào trong sông cướp hại nhiều lần. Triều đình lệnh cho các tàu máy hơi nước Mẫn Thỏa, Đằng Huy và tàu bọc đồng Tĩnh Hải, Tường Nhạn tập trung để dẹp giặc. Và còn rất nhiều vụ giặc biển quấy phá khác làm triều đình lo lắng.

Sách “Đại Nam thực lục” cũng đã ghi lại không ít lần thủy quân triều Nguyễn phải chịu thua thiệt trước sức tấn công mạnh mẽ của lực lượng này. Quy mô, số lượng các lần tấn công của giặc biển ngày càng lớn. Triều đình đã phải thuê nhờ các lực lượng bên ngoài giúp đỡ, tuy nhiên cũng không yên ổn được bao lâu.


Trong triều đình Tự Đức lúc này, có những đại thần rất quan tâm chú trọng tới việc phát triển giao thông đường thủy trong sông và ngoài biển, mở rộng buôn bán với các nước. Trong đó, Bùi Viện là một viên quan có suy nghĩ sâu sắc, tâm huyết với công cuộc phòng thủ trên biển.

- Bùi Viện hiệu là Mạnh Dực sinh năm 1839 mất năm 1878, làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Ông người làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay là làng Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Ông đỗ cử nhân năm 1868 và đến 1871 nhận nhiệm sở giúp Lê Tuấn lúc bấy giờ là Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn giặc khách Cờ Đen, Cờ Vàng là dư đảng của quân Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu tràn sang.

- Sau khi công việc hoàn thành, Bùi Viện trở về Huế và được Doãn Khuê lúc đó đang giữ chức Doanh điền sư Nam Định mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển, xây dựng vùng cửa biển Ninh Hải, tức Hải Phòng ngày nay.

- Là người được xem như một nhà kinh bang tế thế lúc bấy giờ, Bùi Viện có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng và lập ra Tuần dương quân và được nhà Nguyễn giao chức Tham biện Thương chính kiêm Tuần hải nha Chánh quản đốc.

Vào năm 1876, Bùi Viện đã dâng một bản Tấu lên vua Tự Đức đề nghị thành lập một đội hải quân “đi tuần khắp miền duyên hải nước ta" với chức trách cụ thể là: "Vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ các nhà buôn và trừ diệt những giặc bể còn đương hoành hành ở Biển Đông". Giữa lúc tình hình trên biển đang ''nóng'' và chưa tìm được giải pháp, những lời tâu chan chứa nhiệt tình của Bùi Viện đã lập tức được đương kim hoàng đế chấp thuận. Triều Nguyễn giao cho Bùi Viện chức Tham biện thương chính kiêm Tuần hải nha Chánh quản đốc. Ông đã tổ chức và trực tiếp chỉ huy đội Tuần dương quân trong nha Tuần hải, với nhiệm vụ chính là tuần tiễu, phòng vệ trên biển, chặn đánh hải tặc, bảo vệ các tàu thuyền buôn và vận tải trong, ngoài nước đi lại trong vùng biển quốc gia.

- Tuần dương quân được xây dựng gồm 200 tàu chiến, 2000 quân thiện chiến, được huấn luyện và trả lương đầy đủ, được chia làm 3 hạng là thượng, trung và hạ.

- Nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước, chỉnh đốn tổ chức, ngoài những quy định chung trong thủy quân, Tuần dương quân còn phải thực hiện luật lệ gồm 12 điều.

- Lực lượng này được chia thành hai bộ phận: Thanh Đoàn và Thủy Dũng với những trang phục khác nhau để phân biệt. Trong đó, bộ phận Thanh Đoàn đội mũ vải, mặc áo nẹp xanh và Thủy Dũng đội nón dấu, mặc áo nẹp đỏ.

- Các tàu thuyền chiến tham gia đội quân này được gọi là thuyền Tuần dương.

- Tuần dương quân còn được bố trí tại các chi điếm của nha Tuần hải ở nhiều thương cảng, cửa biển trọng yếu trong nước.

Theo sử sách ghi lại, từ khi thành lập, Tuần dương quân đã phát huy được sức mạnh của một đội thủy quân triều đình gìn giữ cương giới biển. Đội quân này từng giao chiến nhiều trận với giặc biển Tầu Ô, có lần truy kích chúng đến tận đảo Hải Nam, Trung Quốc. Từ đó, bọn cướp biển không dám liều lĩnh xâm phạm vùng biển nước ta như trước nữa. Dần dần các tuyến hàng hải trở lại yên ổn, an ninh biển đảo được giữ vững, các cửa biển trở nên sầm uất hơn, thương thuyền ra vào trao đổi hàng hóa ngày một nhiều. Việc buôn bán trong Nam ngoài Bắc được phát đạt, cũng nhờ thế việc thông thương qua đường biển với các nước ven biển được đẩy mạnh.


Hoạt động của đội Tuần dương quân đang được phát triển theo chiều hướng thuận lợi và mang lại hiệu quả tích cực cho triều đình, thì không may, Bùi Viện đột ngột qua đời vào cuối năm 1878. Lực lượng Tuần dương quân từ đó không được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, thậm chí sau này không còn thấy xuất hiện và tồn tại nữa. Nguyên nhân chính là khó tìm thấy một vị quan đương thời có tâm huyết và tài năng như Bùi Viện, để có thể chỉ huy đội thủy quân tuần tiễu trên biển. Triều đình và dân chúng rất thương tiếc ông. Nguyễn Tư Giản đã có đôi câu đối viếng nói lên ý chí nguyện vọng sinh thời của Bùi Viện:

Kiếp sau chưa dứt niềm Nhà nước

Chí lớn đành đem gửi biển non.

Tuy chỉ tồn tại trong vòng 3 năm ngắn ngủi, nhưng đội Tuần dương quân dưới sự chỉ huy của Bùi Viện đã mang lại bình yên cho một vùng biển đảo ngoài khơi của đất nước, các tuyến hàng hải thông thương, các cửa biển trở nên sầm uất, tấp nập thương thuyền ra vào trao đổi hàng hóa, giao thương phát triển. Bên cạnh đó, việc ra đời và hoạt động của đội Tuần dương quân, đội hải quân đầu tiên của Việt Nam còn để lại những bài học sâu sắc về xây dựng lực lượng hải quân và việc gìn giữ cương vực biên giới hải đảo.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: