Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, học thuật, giáo dục, văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, y học. Từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, dòng họ này liên tục 12 thế hệ có người học hành đỗ đạt. Các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu cũng đã biên soạn nhiều tác phẩm Hán nôm. Nội dung của những tác phẩm này phản ánh đa chiều về lịch sử và văn hoá của Việt Nam nói chung, hoạt động học thuật và văn hoá của các tác gia dòng họ nói riêng. Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu có những giá trị hết sức tiêu biểu, đã để lại một hệ thống giá trị di sản vô cùng tiêu biểu cả vật thể và phi vật thể. Bây giờ ở vùng đất Trường Lưu có một số nhà thờ của dòng họ đã trở thành di tích quốc gia hoặc là di tích văn hóa tỉnh. Ngoài ra còn có rất nhiều di sản văn hóa như mộc bản Trường Lưu, không gian kiến trúc của làng, đặc biệt nhất là những giá trị phi vật thể như hát ví và các loại hình văn hóa dân gian khác mà trong quá trình hình thành phát triển của mình dòng họ đã tạo dựng lên và trao truyền lại.

Viễn tổ của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Hà Tĩnh là Nguyễn Uyên Hậu, đậu Ngũ kinh, làm quan dạy học ở Quốc Tử Giám. Ông về miền La Giang, La Thạch, Hà Tĩnh lập làng Tràng Lưu vào giữa thế kỷ 15 đời Lê. Về sau người ta quen đọc thành Trường Lưu. Người khai cơ cho dòng họ và dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu chính là Nguyễn Công Ban đời thứ 7 của dòng họ. Nguyễn Công Ban làm quan ở trên nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng hết sức cần mẫn, liêm chính. Theo PGS.TS Vũ Thanh, viện Văn học, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì Nguyễn Công Ban là một người luôn luôn muốn cống hiến tất cả tài năng, sức lực của mình cho quê hương, đất nước. Nguyễn Công Ban thuộc thế hệ thứ 7 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, ông sống vào thế kỷ thứ 17 đầu thế thứ 18. Có thể coi ông là người khai mở cho dòng văn Trường Lưu lẫy lừng sau này. Về phương diện là một tác giả văn học thì Nguyễn Công Ban đã sáng tác một số bài thơ nhưng ngày nay chúng ta chỉ giữ được một bài, đó là bài ông tạ ơn triều đình khi về trí sĩ ở quê hương.

Nối tiếp truyền thống, con cháu của dòng họ đều theo nghiệp học hành, khoa cử. Đến đời thứ 9 - Nguyễn Huy Tựu đã mở ra một thời kỳ mới cho dòng họ. Cũng bắt đầu từ đây, chữ Huy lấy làm tên đệm và trở thành dòng tộc Nguyễn Huy Trường Lưu với những sáng tác văn chương tài danh làm nên dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu. Nguyễn Huy Tựu được coi là người khai lưu, dẫn lộ văn hóa làng Trường Lưu. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: Nguyễn Huy Tựu là con của Nguyễn Công Phát là cháu của Nguyễn Công Ban, đấy đều là những nhân sĩ từ xứ nghệ nhờ học hành thi cử mà ra kinh đô Thăng Long làm quan văn của triều đình Lê – Trịnh. Cụ Nguyễn Huy Tựu hội đủ những yếu tố, đặc biệt là truyền thống trực tiếp của dòng họ để trở thành người có học thức.

Có thể nói, từ nhiều đời nay, dòng họ của Nguyễn Huy – Trường Lưu là nơi đã sản sinh, trao truyền được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của đất nước. Trong đó, sáng chói nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh – hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ. Nguyễn Huy Oánh là con trai của Nguyễn Huy Tựu. Ông tự là Kính Hoa, hiệu Lưu Trai, đỗ Đình nguyên Thám Hoa năm 1748, với tài năng và đức độ, ông được triều đình cử làm chánh sứ đi sứ năm 1766 - 1767, làm quan đến chức Đô ngự sử, Thượng thư Bộ Công tước Thạc Lĩnh bá …. Theo TS Lê Hiến Chương, khoa lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì Nguyễn Huy Oánh là hình tượng điển hình của một nhà Nho chính thống toàn tài, người Thầy mẫu mực xứng đáng cho người đời sau ngưỡng mộ. Nguyễn Huy Oánh xuất phát điểm là một nhà nho và trong suốt sự nghiệp của mình, ông còn nổi tiếng là nhà thơ, nhà sáng tác lớn ở thế kỷ thứ 18. Ông đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm có giá trị. Về giáo dục ông, là một người thầy lớn, một nhà giáo dục nổi tiếng. Sau khi trí sĩ ông đã về quê mở trường dạy học và đây là trường tư lớn bậc nhất ở khu vực Nghệ Tĩnh. Để phục vụ cho việc dạy và học, Nguyễn Huy Oánh còn lập Phúc Giang tàng thư và trở thành thư viện tư nhân nổi tiếng bậc nhất cả nước thời bấy giờ. Học trò của ông có tới vài ngàn người, trong đó có tới hơn 30 người đỗ tiến sĩ làm quan cùng triều.

Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến văn vật. Họ Nguyễn Huy Trường Lưu kể từ Nguyễn Huy Oánh trở đi cũng được liệt vào đại tộc đất Hồng Lam. Các thế hệ hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu còn ghi danh vào sự phát triển văn hoá dân tộc bằng sự nghiệp trước tác lừng lẫy với việc lập ra “Hồng Sơn văn phái” vang danh cả nước. Quy ước của dòng họ để con cháu có nghĩa vụ hướng về nguồn cội tổ tiên, biết được tổ tiên và từ đó cố gắng rèn luyện, phát huy tốt bản chất của một dòng họ danh tiếng.

Trải qua hàng trăm năm, những đóng góp của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đối với văn hoá, lịch sử của dân tộc đã và đang được các thế hệ hậu duệ bảo tồn và phát huy. Những vị danh nhân của dòng họ Nguyễn Huy không chỉ làm rạng danh dòng tộc, quê hương mà còn góp phần to lớn vào các thời kỳ dựng xây đất nước.