Điều đặc biệt, dòng họ Phan Huy có 2 nhánh lớn, 1 nhánh chính ở xứ Nghệ, nhánh thứ 2 phát triển ở vùng đất Sài Sơn, hay còn gọi là dòng họ Phan Huy Sài Sơn. PGS TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Dòng họ Phan Huy Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng về khoa bảng ở Xứ Nghệ. Đến đời thứ 7, cụ Phan Huy Cẩn hay còn có tên là Phan Huy Cận (1722 - 1789) quyết định chuyển cư đến xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ đó hình thành một nhánh dòng họ Phan Huy trên đất Sài Sơn, tiếp tục phát triển truyền thống hào hùng của dòng họ Phan Huy ở Nghệ Tĩnh xưa”.
Phát huy truyền thống dòng họ danh gia vọng tộc, họ Phan Huy Sài Sơn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, giáo dục và ngoại giao. Dòng họ Phan Huy Sài Sơn để lại số lượng trước tác đồ sộ, đặc biệt là những tác phẩm Hán Nôm của 2 cha con danh nhân Phan Huy Ích và Phan Huy Chú như Dụ Am thi tập, Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích, hay bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú… “Khi tiếp xúc với những tác phẩm của các cụ để lại, chúng tôi thấy rất cảm phục. Theo thống kê của chúng tôi trong số hơn 2.900 nhà khoa bảng Việt Nam chỉ có khoảng 28% có để lại những tác phẩm. Có lẽ sau Lê Quý Đôn thì Phan Huy Ích để lại nhiều di sản Hán Nôm nhiều hơn cả”- TS Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ.
Cùng với những tác phẩm văn chương và những bộ sử sách giá trị, dòng họ Phan Huy Sài Sơn còn để lại nhiều di sản quý báu. Trong đó dòng họ danh giá này có nhiều dấu ấn đối với các di sản Hán Nôm tại di tích chùa Thầy Sài Sơn. GS TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Hán Nôm cho biết: "Chùa thầy hiện nay để lại một kho tàng di sản vô cùng quý giá và đồ sộ. Sơ bộ chúng tôi hệ thống được trên 100 văn bia, văn bản và minh văn tại đây và đều có thác bản rất đầy đủ. Một số đã được dịch công bố trong sổ sách, rất quý. Trong đó, dòng họ Phan Huy có đóng góp quan trọng đối với những di sản này".
Theo GS Đinh Khắc Thuân, bia đá trong khu vực chùa Thầy hiện có khoảng hơn 100 văn bản nằm trong các di tích và được khắc cả trên vách núi, hang động. Trong đó nhiều văn bia do các danh nhân của dòng họ Phan Huy soạn như Phan Huy Ích soạn văn bia “Ngũ Xã thôn Phúc Thần bi” tại miếu Ngũ Xã chân núi Thầy được khắc năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785). Danh nhân Phan Huy Ích là người để lại khá nhiều dấu ấn trong các di sản Hán Nôm ở chùa Thầy. Ông cũng là người có công lớn trong việc phục hồi quả chuông được Thiền sư Từ Đạo Hạnh đúc từ thời Lý. Chuông này được Phan Huy Ích hưng công đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 5, tức năm 1797. Theo TS Nguyễn Hữu Mùi, qua bài minh văn do danh nhân Phan Huy Ích soạn khắc trên chuông cho chúng ta biết nhiều thông tin chính xác từ thời Lý: “Quả chuông từ thời Lý này rất quý. Đây là một đại tư liệu. Phan Huy Ích đã soạn minh văn khắc trên chuông cho ta biết thông tin về nhà Lý vào thời vua Lý Nhân Tông tức năm 1128 có nhà sư Từ Đạo Hạnh đã tu hành đắc đạo tại đây. Ông đã mở mang sáng lập đạo tràng cùng với các thiện nam tín nữ đóng góp tiền của để đúc quả chuông. Quả chuông này ghi là được đúc vào năm Kỷ Sửu nếu quy ra năm dương lịch năm 1109".
Ngoài Phan Huy Ích, nhiều danh nhân dòng họ Phan Huy Sài Sơn qua các thế hệ đều góp công tôn tạo, bồi đắp thêm những di sản Hán Nôm tại chùa Thầy như Phan Huy Vịnh (1800-1870) đã sáng tác khá nhiều thơ văn về danh thắng chùa Thầy, trong đó có 7 bài thơ chữ Hán được khắc trên vách núi chùa Bối Am, núi Phật Tích không có tiêu đề khắc năm Tự Đức thứ 8 (1855). Một danh nhân khác của dòng họ là Phan Huy Quýnh (1775-1844) cũng soạn một bài minh văn khắc trên khánh đồng chùa Hoa Phát có tiêu đề “Hoa Phát tự khánh”. Và còn rất nhiều dấu tích Hán Nôm khác có sự tham gia của dòng họ Phan Huy Sài Sơn.
Tư liệu di sản Hán Nôm tại chùa Thầy vô cùng phong phú và có giá trị lịch sử đặc biệt. Trong đó nhiều di sản quý như các minh văn trên chuông đã từng bị mai một theo thời gian được dòng họ Phan Huy Sài Sơn nói chung và danh nhân Phan Huy Ích nói riêng phục dựng. Nhờ đó nhiều di sản được lưu truyền đến ngày nay, chứa đựng và tôn thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa nước nhà.
Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: