Nằm ở phía Đông Bắc của nước ta, tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho biết bao vẻ đẹp kỳ vĩ và nên thơ, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Có thể kể ra một vài điểm đến thú vị như: Thác Bản Giốc hùng vĩ, Khu di tích Pác Bó với lịch sử hào hùng, Di tích rừng Trần Hưng Đạo xanh ngát, hồ Thang Hen thơ mộng...

Còn một điểm đến nữa của tỉnh Cao Bằng chắc chắn sẽ khiến các du khách phải “xiêu lòng” khi được tận mắt chiêm ngưỡng, đó chính là động Ngườm Ngao kỳ bí. Với hệ thống thạch nhũ và măng đá tự nhiên đẹp như thế giới thần tiên, động Ngườm Ngao khiến du khách có thể thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng ra rất nhiều những hình thù khác nhau.

Động Ngườm Ngao được phát hiện năm 1921, nằm trong lòng một quả núi thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thác Bản Giốc khoảng 5km. Đây là hang động đá vôi được hình thành khoảng 400 triệu năm về trước và được công nhận là danh thắng quốc gia năm 1998. Nhân kỷ niệm 100 năm khám phá động Ngườm Ngao, tuyến du lịch nhánh Bản Thuôn của động Ngườm Ngao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm ngoái.

Việc đưa thêm nhánh Bản Thuôn vào khai thác chính thức giúp du khách khám phá, chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của động Ngườm Ngao, qua đó góp phần nâng cao giá trị của một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam và tạo đà cho du lịch Cao Bằng phục hồi sau thời gian dài tạm lắng do dịch bệnh Covid-19.

Động Ngườm Ngao cách thành phố Cao Bằng hơn 80km và đường đi cũng khá thuận tiện. Nằm trong lòng một ngọn núi lớn, động Ngườm Ngao có 3 cửa chính đi vào với 3 tên gọi khác nhau. Cửa Ngườm Ngao cách chân núi chừng vài trăm bậc thang, cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh, ẩn mình ở dưới khối đá dưới chân núi và cửa Bản Thuôn nằm phía sau núi, kề bản Thuôn của bà con dân tộc Tày. Vì cửa vào động có gió thổi khá mạnh nên còn được gọi là hang Gió.

“Động Ngườm Ngao được chia làm 3 khu, khu đầu tiên là Tứ trụ thiên đình nhờ những giọt nước từ trên nhỏ xuống và đọng lại ở dưới mọc lên tạo ra những cây thạch nhũ nối liền nhau. Khu thứ 2 là khu trung tâm nổi bật với những cây san hô đá, cây thuyền rồng, ruộng bậc thang và hình ảnh bông sen đá. Khu thứ 3 gọi là khu kho báu nhờ phần thạch anh khi có sự tác động của ánh đèn rất đẹp như ánh vàng, ánh bạc...”, chị Nông Thị Nguyệt, Ban quản lý khu di tích giới thiệu.

Bước chân vào cửa động, một luồng khí mát lạnh ào tới khiến du khách không khỏi phấn khích. Những nhũ đá, cột đá rất đẹp dần hiện ra cùng tiếng nước chảy rì rào dưới chân.

“Tổng chiều dài của động Ngườm Ngao là khoảng hơn 2km và hiện nay được khai thác du lịch vào khoảng hơn 1km... Động giống như một chiếc điều hòa tự nhiên vậy, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.... Bên trong có một con suối ngầm chảy từ sông Quây Sơn đi suốt chiều dài của động chảy ra bản Khuổi Ky ở bên ngoài”.

Chị Nông Thị Yên, hướng dẫn viên của khu Di tích vừa giới thiệu với chúng tôi những cảnh đẹp bên trong động Ngườm Ngao, vừa tiết lộ về ý nghĩa của tên động: "Tên gọi Ngườm Ngao bắt nguồn từ tiếng gọi của người dân địa phương. Ngườm có nghĩa là hang động, Ngao có nghĩa là Hổ. Ngườm Ngao có nghĩa là hang hổ. Khi xưa, có người đi rừng qua đây nghe thấy tiếng gió rít từ trong hang thổi ra thì nghĩ ngay đến tiếng hổ gầm. Tên gọi Ngườm Ngao bắt nguồn từ đó”, chị Nông Thị Yên cho biết.

Càng vào sâu, không gian trong động càng mở rộng và thoáng đãng. Những nhũ đá, cột đá vôi phản chiếu dưới ánh đèn màu càng lung linh, huyền ảo, cảm giác như lạc vào cung điện hoàng gia một vương quốc Ả Rập trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Kia là những thạch nhũ kết thành dáng đức Phật, tượng ông tượng bà bên nhau. Đây là cô tiên trong chuyện cổ tích, đây là thuyền rồng của nhà vua, kia nữa là những hình người, cây rừng, các loài vật, con voi ma mút, cây vàng cây bạc và có cả thác bạc lấp lánh...

“Lần nào cũng thấy thú vị và vẫn thích tìm hiểu thêm tại vì mỗi lần đến lại có một cảm xúc khác nhau. Cảm giác mỗi phiến đá lại mang một câu chuyện khác nhau. Có lẽ, đây là một trong những hang động tự nhiên nhất mà tôi đã từng đi”, chị Nguyễn Thị Huyền, du khách Hà Nội có cảm nhận.

Thêm vài bước chân, trước mắt du khách là những “thửa ruộng bậc thang” do đá vôi bị phong hóa suốt nhiều triệu năm, chẳng khác nào những đồng ruộng bậc thang thu nhỏ xinh xắn của vùng đất Tây Bắc. Ngoài ra, còn có những vết hóa thạch giống hệt biển sóng cát nhân tạo sau những con sóng rút xa bờ.

“Tôi rất bất ngờ vì ở đây thực sự tuyệt đẹp, mọi thứ rất là hoang sơ. Tôi thích hình bông sen đá ở trong động, cảm thấy nó mang một ý nghĩa gì đấy bởi đá có hình bông sen mà lại mọc trong một cái động”, anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách Hải Dương không giấu nổi thích thú.

Đến động Ngườm Ngao mùa nào cũng được. Nhưng có hai mùa thường được du khách lựa chọn nhiều nhất, đó là mùa mưa và mùa cạn. Vào mùa mưa, dòng suối ngầm trong động dâng nước tràn lên cả lối đi. Khi đó, du khách sẽ được người dân địa phương chở bằng thuyền vào động. Mùa cạn, du khách sẽ tự đi bộ qua những con đường nhỏ.

Với sự nguyên sơ cùng nhiều hình thù độc đáo, động Ngườm Ngao quả thật là một địa điểm du lịch hấp dẫn và thật chẳng sai khi dân "xê dịch" đã ưu ái gọi với cái tên "Kiệt tác của thiên nhiên".

Xin mời nghe âm thanh tại đây :