Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, kể từ khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch thông qua việc thực hiện chuỗi các chương trình, kế hoạch hành động kích cầu, thu hút khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng.

Thông qua các hoạt động này, ngành du lịch Thủ đô đã dần hồi phục. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã phục vụ 13 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Chính vì vậy, Tọa đàm tập trung vào các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ.

Các nội dung trọng tâm được trao đổi tại tọa đàm bao gồm: thông tin về chính sách thị thực mới, kế hoạch phát triển của du lịch Thủ đô; trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp; các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách...

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và được đông đảo du khách đón nhận như: tour Du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học… Đây là những tín hiệu tích cực thể hiện du lịch nội địa đã phục hồi và du lịch quốc tế đang lấy lại đà tăng trưởng.

Cũng theo ông Khánh, để thu hút khách trong thời gian tới, cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến; Xây dựng, triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”; tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch giai đoạn hậu Covid-19. “Du lịch Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch. Tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh du lịch góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế trong du lịch”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hà Nội cần tập trung tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như: du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trong đó chú trọng quảng bá những sản phẩm này đến du khách quốc tế.

Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam thì cho rằng, giai đoạn hậu Covid-19, nhu cầu đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi, cụ thể là khách đi theo nhóm nhỏ, đi du lịch tự túc nhiều hơn nên Hà Nội cần xây dựng sản phẩm mới, xây tuyến xe điện kết nối trong nội đô vừa để đảm bảo môi trường theo định hướng: Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, vừa đa dạng lựa chọn hơn về phương tiện vận chuyển cho du khách.

Bà Ngô Thị Lan Phương- Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Kim Liên nêu ý kiến, muốn thu hút du khách, Hà Nội cần phải xác định đúng khách hàng mục tiêu nhằm xây dựng sản phẩm cho phù hợp; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch ẩm thực, phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch… Đồng thời đẩy mạnh truyền thông Hà Nội là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, doanh nghiệp tại tọa đàm, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Sở Du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến để triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP, đồng thời sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch Thủ đô.