Liệu du lịch miền Bắc sẽ xoay xở phục hồi ra sao sau bão lũ, khi mà quãng thời gian cuối năm được xem là “mùa vàng” của ngành du lịch đang đến gần?
Trước thực tế này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch.
Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6 năm 2025.
Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Đạo Dũng, Trưởng Phòng Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, hiện một số doanh nghiệp các tỉnh đã và đang nhanh chóng phục hồi sau những tác động do hoàn lưu bão số 3 và chào đón du khách trở lại. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với ngành du lịch các tỉnh phía Bắc là tâm lý lo ngại tác động của bão, lũ và cơ sở vật chất, hạ tầng của nhiều điểm đến cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, việc đầu tư, tái đầu tư cho các điểm du lịch không dễ trong giai đoạn ngành du lịch đang phải nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ...
Các địa phương cần rút ra bài học về biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời, cần phải xem xét lại cách tiếp cận trong việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thời tiết và khí hậu tại từng vùng, miền.
- Quảng Ninh, Hải Phòng là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận thiệt hại lớn. Hàng loạt điểm đến nổi tiếng từ Hạ Long, Bãi Cháy, đảo Cô Tô tới đảo Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn đều bị tàn phá nghiêm trọng, tạm dừng mọi hoạt động du lịch.
- Sau khi siêu bão Yagi qua đi, hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh thành phía Bắc đang rơi vào trạng thái tê liệt. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang... bị ngập úng nặng. Nhiều sân bay phải đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và điều chỉnh giờ khai thác. (Theo Cục Hàng không Việt Nam, ước tính sơ bộ số chuyến bay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi là 145 chuyến nội địa và quốc tế).
- Vào thời điểm này trong năm là lúc thị trường du lịch phía Bắc bước vào giai đoạn sôi động với tour ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín hay nhảy dù, năm nay các đơn vị lữ hành buộc phải hoãn hủy tour tuyến. Thời gian khắc phục dự kiến sẽ còn kéo dài…
Cũng theo ông Nguyễn Đạo Dũng, việc đầu tư, tái đầu tư cho các điểm du lịch không dễ trong giai đoạn ngành du lịch đang phải nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước cũng như các cấp, các ngành để nhanh chóng phục hồi sau bão như: triển khai ngay các đợt cao điểm "thần tốc" dọn vệ sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cần nhanh chóng khắc phục, sữa chữa các tuyến đường sạt lở, để tạo thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến địa bàn trọng điểm du lịch...
Xem xét một số chính sách đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung bị thiệt hại sau bão lũ, như: xem xét cơ cấu lại thời gian vay, nợ, miễn, giảm lãi suất vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho vay ưu đãi đối với các các khách hàng bị thiệt hại; giảm tiền thuê đất, thuế đất, tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế.
Tăng cường các tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch nhằm thu hút lượng khách đến tham quan trong những tháng cuối năm 2024 và đặc biệt cho năm 2025.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao chủ trì nghiên cứu, tham mưu và định hướng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ cũng như có những phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Theo đó, tại Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 cũng đã xác định rõ, kim chỉ nam cho các địa phương là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ chất lượng cao dựa trên các tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của mình. Về xúc tiến quảng bá của từng địa phương, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã thông báo rộng rãi tới các địa phương cũng như các doanh nghiệp để cùng tham gia phối hợp đồng hành trong các hoạt động.
Theo đại diện các đơn vị lữ hành tại miền Bắc, thời gian này được xem là mùa du lịch tại các địa phương phía Bắc với khí hậu mùa thu mát và cảnh sắc thiên nhiên đang độ đẹp nhất: mát mẻ, dễ chịu, là thời điểm lý tưởng để khách du lịch khám phá các danh lam thắng cảnh tại Sapa, Hà Giang, Hạ Long... Đây cũng là mùa lễ hội và mùa lúa chín ở nhiều khu vực vùng cao, thu hút lượng lớn du khách yêu thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa đặc sắc. Vì thế, các địa phương cũng không muốn bỏ lỡ “mùa vàng” này, khắc phục mọi khó khăn để phục hồi sau bão, nỗ lực mở cửa đón du khách trở lại.
Việc Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu du khách; một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại, đặc biệt là chính sách thị thực, các điều kiện về thời gian lưu trú được cải thiện, miễn giảm thuế… chính là điểm tựa, giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển sau hai năm Covid-19 cũng như sẽ tiếp tục là động lực để du lịch vượt qua khó khăn trước mắt sau bão số 3.
Nghe âm thanh tại đây: