Khách du lịch tàu biển là dòng khách có chi trả cao, Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách này. Bên cạnh đó, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch biển đảo được xem là ưu tiên số một với nhiều khu du lịch biển tầm cỡ có sức cạnh tranh cao trong khu vực như: Hạ Long- Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc…

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của việc phát triển du lịch tàu biển là số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách rất thấp và còn khá nhiều bất cập để phát triển thị trường tiềm năng này. Vì vậy rất cần có những chính sách để khơi thông - đó là khẳng định của ông Phạm Hà - CEO Luxgroup - doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực vận tải, du lịch, du thuyền hạng sang.

PV: Thưa ông, Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km, rất nhiều đảo và những vịnh biển đẹp nhất thế giới, nhưng dường như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng du lịch tàu biển nước ta hiện nay?

Ông Phạm Hà: Việt Nam chúng ta có rất nhiều tài nguyên du lịch trong đó có du lịch biển đảo, các điểm đến đa dạng, khác biệt về cảnh quan, phố thị, di sản văn hóa. Phía nam Việt Nam, khí hậu nắng ấm quanh năm, cảnh quan đa dạng, ẩm thực phong phú và ngon. Con người thân thiện, văn hóa di sản phong phú trải dài từ Bắc vào Nam, rất nhiều đảo và những vũng, vịnh biển đẹp nhất thế giới như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ, Nha Trang, Phú Quốc... Du thuyền nói chung là hình thức du lịch tuyệt vời để khám khá thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa và con người mỗi vùng miền trên sông và trên biển. Song thực tế là Du lịch tàu biển của ta hiện nay còn rất sơ khai, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của một quốc gia ven biển như Việt Nam.

PV: Trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới, khu vực châu Á là điểm đến hấp dẫn với 288 điểm được lựa chọn trở thành điểm dừng chân của các hãng du thuyền thế giới. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có tuyến giao thông hàng hải thuận lợi. Lợi thế là vậy nhưng du lịch tàu biển của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có sự tăng trưởng cao, theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Hà: Việt Nam có địa chiến lược vô cùng quan trọng và là điểm đến tuyệt vời cho các du thuyền du ngoạn trong Châu Á và các du thuyền lớn vòng quang thế giới, cập cảng Việt Nam. Rất nhiều du thuyền lớn đã cập cảng Việt Nam nhiều lần trong năm và đưa hàng ngàn du khách có chất lượng đến các cảng biển Việt Nam như: Hạ Long, Hải Phòng, Chân Mây, Nha Trang, Phú Mỹ và An Thới (Phú Quốc)... Tuy nhiên lượng khách và số tầu cập cảng chưa tăng trưởng cao trong những năm qua và nguyên nhân chủ yếu vẫn là hạ tầng cảng biển chúng ta kém chất lượng, chưa có cảng riêng cho du lịch tàu biển, cảng xấu thường dùng chung với cảng hàng hóa nên rất nhếch nhác, không thẩm mỹ và không thuận tiện. Ngoài ra, xe sang trọng chưa vào được tận chân cầu cảng đón khách đi thăm quan khi tàu đến cảng như ở các nước: Singapore, Malaysia hay Thái Lan...

Đặc biệt, vấn đề thủ tục còn nhiêu khê, bất cập. Chẳng hạn việc nhập cảnh tàu rồi nhập cảnh của khách phải mất rất nhiều thời gian và nhiều công đoạn. Hay đơn giản như việc khách từ cầu tầu ra khỏi cảng để đi chơi trên bờ thường phải đi bộ rất xa, gần 1km thì các công ty lữ hành và xe mới được đón và thường phải trả chi phí khá cao. Đặc biệt, việc có quá nhiều công trình cáp treo xuyên biển cũng làm cản trở các siêu du thuyền cập cảng.

PV: Vậy ông có đề xuất gì để thúc đẩy sự phát triển của du lịch tàu biển?

Ông Phạm Hà: Nhu cầu sử dụng du thuyền nghỉ dưỡng trên toàn cầu tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm này, hầu hết các tầng lớp từ trung lưu trở lên đã quan tâm và tìm hiểu nhiều về các loại thuyền, từ loại thuyền câu cho đến tầm trung và hạng sang. Hệ sinh thái và văn hóa chơi du thuyền đang hình thành và phát triển.

Việt Nam là công xưởng đóng tàu tốt nhất thế giới, nhiều siêu du thuyền đều được đóng tại Việt Nam. Thị trường du thuyền ngủ đêm vẫn còn dư địa phát triển, tuy nhiên, muốn thế cần phải có cơ chế chính sách cho du lịch cùng hệ thống cầu cảng thuận tiện. Hiện để du khách được ngủ đêm trên du thuyền, Lux Cruises kinh doanh dịch vụ này phải có đủ 18 giấy phép, chưa kể 6 bộ, ban, ngành, từ biên phòng, cảng vụ, công an, sở du lịch, chính quyền địa phương cùng quản lý... Chính vì vậy rất cần sự thông thoáng về chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Ngoài ra, tôi cho rằng chính quyền địa phương cần làm mới sản phẩm trải nghiệm giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Ví dụ, thay vì đi tour du thuyền 2 ngày 1 đêm như hiện nay thì có thể tăng thời gian lên 3 ngày 2 đêm hoặc nhiều hơn để du khách có thể tham quan 3 vịnh trong một hành trình: Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), buổi tối có thể lên bờ tham quan, đi chợ đêm mua sắm... Như vậy mới thu hút khách lưu trú lâu hơn, khám phá nhiều hơn và thúc đẩy kinh tế địa phương.

PV: Những hạn chế trên đã được nêu ra suốt một thời gian dài, nhưng chưa được khắc phục rốt ráo. Hệ lụy không chỉ là giảm sức hút của điểm đến, mà còn bỏ lỡ nguồn thu không nhỏ từ dòng khách du lịch tàu biển, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Du lịch tàu biển không chỉ khuyến khích tạo điều kiện thuận tiện cho các tàu quốc tế cập cảng, mà phải khuyến khích các các tàu du lịch trong nước cập cảng thủy nội địa dễ dàng hơn thay vì ngăn sông cấm chợ như Quảng Ninh và Hải Phòng hiện nay. Khách quốc tế đến địa phương bằng đường thủy dễ dàng và đến rồi vui hơn, nhiều trải nghiệm hơn và họ chi tiêu nhiều hơn cho mỗi điểm đến.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, chúng ta đang chú trọng kinh tế biển, thì cũng nên định vị du lịch quốc gia là du lịch biển (Maritime tourism), từ đó có những chính sách phát triển dài hạn, cơ chế phát triển hạ tầng, visa linh hoạt, sản phẩm trải nghiệm, con người, xúc tiến hiệu quả... Tuy nhiên, hiện nay du lịch Việt Nam vẫn chưa định vị được sản phẩm chủ đạo của mình nên cũng rất khó trong việc xúc tiến, quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm

PV: Ông có cho rằng, bên cạnh giải pháp khơi thông nguồn vốn đầu tư hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế và có tính kết nối đồng bộ với cảng biển để thu hút du khách?

Ông Phạm Hà: Đúng như vậy, chính phủ Việt Nam nên coi trọng du lịch biển, có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng cảng biển, điểm đến an toàn và hấp dẫn với nhiều bến cảng chuẩn quốc tế để đón được nhiều du khách hơn. Thúc đẩy phát triển các bến du thuyền marina đủ chuẩn, tạo các cuộc thi đua thuyền buồm, các tổ hợp vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm, trên bến dưới thuyền...

Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần làm mới sản phẩm điểm đến bằng du thuyền trên biển cho dòng khách muốn tìm trải nghiệm mới chân thực và độc đáo, nhất là khách muốn quay trở lại Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông.