Theo đó, Vĩnh Phúc triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, cùng với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, tỉnh sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến du lịch nhất là trên nền tảng số, thông qua các hội nghị xúc tiến du lịch và khuyến khích các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh vấn đề này:

PV: Thưa ông, hoạt động du lịch thời gian qua của tỉnh đạt hiệu quả như thế nào?

Ông Đỗ Hoàng Dương: Ngay sau dịch Covid-19, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án mở cửa trở lại các hoạt động du lịch. Đến nay lượng du khách cũng như doanh thu từ du lịch tăng 15 đến 20%. Điều đó chứng tỏ là các chương trình của chúng tôi tập trung vào vấn đề kích cầu du lịch đã hiệu quả trong thời gian vừa qua.

PV: Vậy để có thể đạt được mục tiêu thu hút 9,2 triệu lượt khách trong năm 2023, giải pháp tới đây của tỉnh là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Hoàng Dương: Trong kế hoạch ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng một loạt các chương trình để thu hút du khách. Ngoài việc quảng bá tới các điểm du lịch trọng điểm trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... tới đây chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Kiên Giang... Cùng với đó đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, đảm bảo sẽ đón và phục vụ được lượng khách đạt kế hoạch đề ra.

PV: Đến thời điểm này chắc hẳn Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng chiến lược phát triển về sản phẩm du lịch, thưa ông?

Ông Đỗ Hoàng Dương: Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2030 thì chúng tôi tập trung vào một số sản phẩm du lịch chính. Một là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần. Thứ hai là du lịch kết hợp với thể thao du lịch, Golf. Thứ ba là du lịch, hội nghị hội thảo và thứ tư là du lịch kết hợp văn hóa tâm linh.

Thời gian tới còn phát triển thêm loại hình thứ năm, đó là du lịch mua sắm. Cái này chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, các hãng thời trang quốc tế, họ cũng rất quan tâm đến vấn đề này, làm sao có những chuỗi cửa hàng Outlet, phục vụ cho khách du lịch trước khi ra sân bay. Thì hiện nay chúng tôi đang tính toán đến loại hình này.

Nếu được tỉnh quan tâm cũng như thu hút dành quỹ đất cho vấn đề đầu tư chuỗi các cửa hàng Outlet của các hãng thời trang trên thế giới thì chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một trung tâm mua sắm lớn của cả nước, trước khi khách du lịch đi các khu du lịch khác ở phía Bắc cũng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc sẽ trở thành điểm cuối cùng cho tour du lịch mua sắm.

PV: Thưa ông, sự phát triển của du lịch tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm gần đây có sự góp sức của không ít các doanh nghiệp. Vậy tỉnh đã có chính sách gì để việc thu hút đầu tư được hiệu quả, thưa ông?

Ông Đỗ Hoàng Dương: Trong thời gian qua thì tỉnh cũng đã xây dựng rất nhiều cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, trong đó các nhà đầu tư chiến lược đối với lĩnh vực du lịch. Đặc biệt vừa rồi thì tỉnh ban hành một đề án để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng và tới đây sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể.

PV: Và đó sẽ là tiền đề để Vĩnh Phúc tiến gần đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thưa ông?

Ông Đỗ Hoàng Dương: Ngay từ khi có nghị quyết 08 về vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh xây dựng một chương trình hành động số 41 về phát triển du lịch Vĩnh Phúc trở thành ngành mũi nhọn. Thì chúng tôi tập trung vào một số chương trình. Thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, thứ hai là nguồn nhân lực, thứ ba là chương trình xúc tiến quảng bá và thứ tư,l là nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề phát triển du lịch. Thông qua những nội dung chính như vậy thì chúng tôi tin tưởng du lịch Vĩnh Phúc sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong thời gian tới.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!