Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ook Om Bok (một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và lễ cúng ông bà Sene Dolta). Đây là phong tục của người dân xứ Ba Sắc từ năm 1528, được bà con người Khmer lưu truyền từ nhiều thế kỷ qua và duy trì, phát triển cho đến ngày nay.

Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer hàm chứa mục đích và ý nghĩa quan trọng đó là thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến nhiều nguồn lợi dồi dào cho sự sống của con người, biết ơn thiên nhiên đã tạo nên mưa thuận gió hòa, có được mùa màng tốt tươi trong năm. Bên cạnh đó, tạ ơn các vị thần có thế lực quyền năng, các linh hồn ông bà tổ tiên đã giúp đỡ, che chở, phù hộ, bảo vệ mùa màng. Tạo nên tính gắn kết cộng đồng, mối thân tình, đoàn kết giữa con người với con người.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn, dài khoảng từ 25 đến 30m, ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m, đầu được uốn cong lên như hình đầu rắn, đuôi (sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Trên ghe, người thợ đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe có khoảng 52-58 tay chèo. Ngồi đầu ghe là một vị lão làng cầm trịch, đây không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng, có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu mà còn phải là người đóng góp, ủng hộ nhiều tài vật cho đội ghe. Đứng giữa ghe là người giữ nhịp, đây có thể coi là “nhạc trưởng” của đội ghe, thông qua hiệu lệnh bằng còi, người giữ nhịp chỉ huy các tay chèo gia tăng nhịp chèo, tốc độ chèo hay chèo đều tay giữ sức cho trận tiếp theo.

Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội đua ghe Ngo như một phong tục tốt đẹp, một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, tranh đua tài nghệ, sức mạnh với nhau, là một nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước miền Tây xứng đáng được bảo tồn.