Trong cuộc sống hàng ngày, để có thể hiểu biết, thông cảm, thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, con người thường dùng lời nói làm phương tiện trao đổi thông tin để cùng nhau sống vui vẻ hòa hợp. Điều này cũng được người xưa đúc rút bằng những kinh nghiệm quý báu qua những câu nói: “Lời nói gói vàng”, hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... để nhắc nhở mỗi người.

Người xưa thật sâu sắc khi coi lời nói là một giá trị quý báu mà mỗi người cần phải nâng niu và trân trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thế còn ngày nay thì sao? Một chuyên gia tâm lý đã nhận xét rằng: “Trong cách ứng xử thông thường của các gia đình Việt Nam hiện nay có một nghịch lý mà ít người nhận ra, đó là những khó khăn trong việc nói ra lời yêu thương chân thật”.

Có một thực tế rất rõ ràng là nhiều khi chúng ta không cần phải suy nghĩ, đắn đo để có thể dễ dàng nói ra những lời ngợi khen hay tán dương có chủ ý đối với người khác ngoài xã hội nhưng với những người thân yêu trong gia đình như là cha, mẹ, anh, chị, đặc biệt là giữa vợ và chồng... thì lại luôn cảm thấy ngại ngùng, do dự, thậm chí là không thốt được nên lời.

Theo các chuyên gia tâm lý, cuộc sống là cuộc hành trình dài và những người yêu thương nhau hãy luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho nhau, chăm sóc quan tâm đến nhau trong chuyến hành trình ấy. Những cử chỉ, lời nói yêu thương đơn giản nhất sẽ ghi điểm nhiều hơn trong mắt bạn đời, giúp cho cuộc sống hôn nhân luôn hạnh phúc bền chặt.

“Cuộc đời của chúng ta có rất nhiều khó khăn và những rào cản có thể đến nhưng bằng sự yêu thương chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn đó. Lời yêu thương giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và càng yêu nhau hơn, hạnh phúc hơn” - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Giang khẳng định.

Thời gian qua, Dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Song, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình.

Đơn cử như câu chuyện của chị Thu Hạnh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội: "Ông xã của tôi có thói quen cứ vài ngày là lại nhắn tin cho tôi với những nội dung kiểu: “Con mèo bé nhỏ của anh, anh không thể sống thiếu em được!”. Vấn đề là tôi còn trẻ trung gì đâu, U40 rồi, đọc tin nhắn mà thấy ngượng chín cả người. Nhiều khi anh nhắn cả chục cái tin, không xem thì lại giận dỗi”.

Tuy nhiên, anh Trần Thắng, chồng chị Hạnh thì có lý do của mình: “Người xưa nói là “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” nhưng tôi nghĩ là thời nào thì cả hai vợ chồng cùng xây tổ ấm thì mới bền vững và hạnh phúc. Khi thấy vợ buồn thì hỏi han, chia sẻ, đôi khi cũng pha trò cười để gia đình cùng vui”.

Chị Hạnh cho biết, không chỉ nhắn tin mà mỗi khi ở nhà, chồng chị ngoài việc chăm lo gia đình, con cái thì cũng luôn dành những lời yêu thương để động viên vợ, con. Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, được nghe những lời như thế từ chồng cũng cảm thấy vui vì mình được động viên, chia sẻ.

“Nhiều khi áp lực gia đình, cuộc sống thì cũng mệt mỏi, về nhà thì con cái bận rộn nhưng mà hai vợ chồng cùng ngồi lại, cùng bàn bạc với nhau đưa ra một quyết định sáng suốt nhất kể cả về việc chăm lo cho con hay là hay là về lo kinh tế của gia đình”.

Câu chuyện của bác sỹ Phạm Văn Đếm - Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng thú vị chẳng kém. Thời gian vừa qua, anh không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhất là khoảng thời gian phải tham gia chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Đếm chia sẻ, những lúc dịch dã như thế, ai cũng mong muốn được trở về gia đình, được ở bên những người thân yêu và chia sẻ những khó khăn, vất vả với vợ con. Tuy nhiên, anh xác định, công việc cứu người lúc này vừa là trọng trách, vừa là vinh dự nên đã quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ. Cũng may là vợ anh hiểu và luôn nhắn tin, gọi điện động viên bằng những lời yêu thương, giúp anh quyết tâm và lạc quan hơn khi ở trong tâm dịch.

“Ai cũng phải có lúc thường xuyên xa nhà, không chỉ là khi có dịch. Và mình thấy đây là sự thiệt thòi của bạn đời của mình. Vì vậy, những lúc nghỉ ngơi sau giờ trực, tôi sẽ nghĩ cách bù đắp lại, chia sẻ với vợ để tăng sự gắn kết. Những buổi đi vắng có thể gọi qua zalo để chia sẻ, nói chuyện tâm sự với gia đình” - Bác sỹ Phạm Văn Đếm chia sẻ.

Cũng ở tâm dịch, câu chuyện của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Xuân Điệp và Đinh Hoàng Mai Anh làm việc tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người không khỏi xúc động. Bén duyên từ nghề nghiệp, từ đầu năm, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Xuân Điệp và Đinh Hoàng Mai Anh đã lên kế hoạch cho tuần trăng mật ý nghĩa sau đám cưới. Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Chí Linh (Hải Dương) sau đó lan sang Đông Triều (Quảng Ninh) nên cặp vợ chồng trẻ đã quyết định gác lại kế hoạch trăng mật của mình để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người "Chiến sỹ áo trắng".

Dịch bệnh tại Quảng Ninh được khống chế, Mai Anh và Xuân Điệp tiếp tục lên kế hoạch cho tuần trăng mật vào mùa hè. Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, cặp vợ chồng trẻ lại cùng gần 200 nhân viên y tế, bác sĩ của bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí lên đường chi viện cho các đồng nghiệp tỉnh bạn.

Bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh vui vẻ tiết lộ: “Những ngày làm nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Giang là trải nghiệm không thể nào quên của hai vợ chồng, giống như là "tuần trăng mật" đặc biệt vậy. Chúng tôi đã luôn dành cho nhau những lời động viên, yêu thương để vượt qua những khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Giang thì việc thường xuyên bày tỏ những lời yêu thương với “nửa kia” của mình là cảm xúc tự nhiên, là chất xúc tác vô cùng quan trọng để “hâm nóng” trái tim của nhau, giúp cho sợi dây gắn kết gia đình ngày một bền chặt.

“Lời yêu thương là lời chân thành từ trái tim của chúng ta. Khi chúng ta thường xuyên nói những lời yêu thương thì cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều”.

Nếu bạn yêu một ai đó sâu sắc, tự nhiên bạn sẽ không cảm thấy xấu hổ mà sẵn sàng biểu lộ tình cảm của mình mỗi ngày. Và điều này sẽ giúp cho sợi dây gắn kết gia đình ngày thêm bền chặt.

Xin mời nghe chi tiết tại đây :