Hội nghị do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức. Đây là lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao của hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau ngồi lại để thảo luận những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho ngành dịch vụ Hàng không - Du lịch trong chặng đường phục hồi đầy khó khăn phía trước.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ Du lịch - Hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng. Về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến. Ước tính cả năm, Việt Nam sẽ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách đến vào năm 2022 và tạo doanh thu khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ.
Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như: Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch. Đơn cử, Thái Lan đã đạt mốc mục tiêu 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đặt ra cho cả năm 2022 ngay từ đầu tháng 12, mang lại tổng thu 14 tỷ đô la Mỹ. Trong hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid-19.
Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP tới khoảng 10%. Trong đại dịch, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 2,1% GDP vào năm 2021.
Trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch.
Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.
Đi tìm nguyên nhân:
Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, sau dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phát triển ở hai thái cực. Du lịch nội địa phát triển mạnh, có thể coi là phục hồi hoàn toàn, giá trị đóng góp về kinh tế của ngành du lịch đã quay trở lại rất gần với kết quả trước đại dịch. Có được lợi thế này là do Việt Nam đã khống chế thành công dịch Covid-19, người dân được đi lại tự do, không có rào cản, không có cạnh tranh. Tuy nhiên, đây lại là “bức tranh tối của du lịch quốc tế” khi chúng ta nỗ lực mở cửa sớm, tháo mọi rào cản cách ly nhưng lượng khách quốc tế đến không như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airline nhìn nhận nguyên nhân chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp là do chính sách của nhà nước với ngành du lịch trước và sau dịch Covid-19 không có sự thay đổi, thậm chí còn đóng chặt hơn. “Chính sách visa của Việt Nam từ khi mở cửa (ngày 15/3/2022) không hề có sự thay đổi nào, vẫn chỉ miễn thị thực cho công dân 24 nước khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là các quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân từ trước đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong khi đó Thái Lan và nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực của chúng ta đã tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh quốc gia họ cũng như kéo dài thời gian miễn thị thực từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Đặc biệt, Thái Lan kể từ ngày mở cửa du lịch quốc tế đã thay đổi chính sách visa 7 lần”, ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.
Mổ xẻ những nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn nhỏ giọt, ông Đinh Việt Phương - Giám đốc điều hành hãng Hàng không Vietjet liệt kê gồm: xung đột Nga - Ukraine; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á vẫn đang siết chặt phòng chống dịch mà đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airline nhấn mạnh, dù đã tổ chức rất nhiều các chương trình phát động du lịch từ cấp địa phương đến cấp quốc gia nhưng lại chủ yếu ở Việt Nam trong khi đáng ra phải tổ chức phát động tại các thị trường nguồn thì mới có tác dụng. “Sau dịch Covid-19, Vietnam Airline chúng tôi có tham gia rất nhiều đoàn đi làm xúc tiến ở các thị trường nhưng điều tôi ghi nhận là có nhiều đại lý nói rằng biết du lịch Việt Nam đã mở cửa nhưng không biết ngành du lịch đã sẵn sàng đón khách hay chưa, từ cơ sở vật chất, dịch vụ cho đến công tác đảm bảo an toàn… Điều đó cho thấy các đối tác từ thị trường nguồn của Việt Nam đang rất thiếu thông tin về tình hình du lịch Việt Nam”. Ông Trung nêu thực tế.
Tháo nút thắt để thu hút khách quốc tế
Để thu hút khách du lịch quốc tế, giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam bứt phá, ông Chris Farwell, Phó TGĐ Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, Việt Nam cần mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cũng như tăng thời gian lưu trú cho khách, thay vì 15 ngày như hiện nay lên 30 - 45 ngày. Mở rộng danh sách cấp thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia, đồng thời nên đổi tên miền trang web cấp thị thực điện tử để khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm trực tuyến, giao diện trang web cũng cần thân thiện hơn với người dùng, cải thiện tốc độ truy cập trang web, đặc biệt là cần cắt giảm các đại lý dịch vụ thị trực có trang web giống như các kênh chính thức cấp thị thực.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành công ty du lịch Mekong Rustic nhấn mạnh quan điểm toàn ngành cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB), thời gian qua, cùng với việc tăng cường quảng bá du lịch ở trong nước, Du lịch Việt Nam cũng tăng cường tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch lớn ở ngoài nước, đặc biệt là các thị trường trọng điểm khách quốc tế của Việt Nam, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá… Tuy nhiên, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế như: nguồn lực cho xúc tiến du lịch thiếu và yếu; thông điệp chưa rõ ràng; các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá còn theo lối mòn.
Do đó, để công tác quảng bá, xúc tiến đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần có kế hoạch tổng thể và phối hợp hoạt động giữa các chủ thể gồm: Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng cường phối hợp giữa du lịch với hàng không và các hội nghề nghiệp trong hoạt động xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trường mạnh trong những năm tới. Duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Đầu tư mạnh hơn, đảm bảo hiệu quả vào các thị trường chi tiêu cao như: Châu Âu, Úc, Mỹ.
Tại hội nghị bàn tròn này, các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thống nhất đề xuất các giải pháp cấp bách cho năm 2023 để Hàng không - Du lịch thực sự phục hồi, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị toàn quốc sắp diễn ra thời gian tới.