Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2021 có tổng số 248 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng theo quy định, trong đó, 27/36 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 147/221 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước.

Trước đó, danh sách các tác phẩm, công trình về văn học nghệ thuật này đã được xét duyệt và giới thiệu bởi Hội đồng cấp cơ sở thuộc các lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời được Bộ VH-TT&DL đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là hai giải thưởng uy tín, được xem là thước đo, là sự ghi nhận của Nhà nước với những văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho xã hội, vậy nên ai cũng mong được "gọi tên". Tuy nhiên, giống như những lần trước, việc xét tặng năm nay vẫn có những luồng dư luận khác nhau, trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Chính, Phó Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam: “Hình như có tâm lý giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng quá ý nghĩa, quá trang trọng nên các đơn vị làm hồ sơ có xu hướng nghĩ rằng các phóng viên chiến trường xứng đáng đoạt giải hơn ”.

Lời nhận xét này có lẽ đúng khi mà nhìn vào danh sách đề cử lĩnh vực nhiếp ảnh 2021, 2 bộ anh đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh đều phản ánh cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước. 21 đề cử giải thưởng Nhà nước, hơi thở chiến tranh và những cuộc kháng chiến cũng hiện rõ và chỉ có bộ sách ảnh của tác giả Nguyễn Á - TP.HCM là tác phẩm hiếm hoi không thuộc nhóm chủ đề chiến tranh được đề nghị xét giải.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao những tác phẩm nhiếp ảnh về thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước lại thiếu vắng trong danh sách xét tặng hai giải thưởng uy tín năm nay?

Theo ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam thì có một số lý do: “Hội đồng xét thì thấy nội dung những tác phẩm chụp sau này chưa đạt yêu cầu nên Hội đồng chưa đề nghị, chưa xét tác phẩm. Nói chung cái này cũng xét cái cống hiến của tác giả. Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cũng cần tập trung vào những tác giả lớn tuổi, có nhiều năm cống hiến, hi sinh trong chiến tranh. Họ đóng góp nhiều công sức trong thời kỳ đó đến giờ phút này nhưng vẫn chưa được ghi nhận”.

Cũng có ý kiến cho rằng, hồ sơ về thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước thiếu vắng có nguyên nhân liên quan tới đặc thù của phương pháp sáng tác. Các tác phẩm của phóng viên chiến trường có ý nghĩa lớn bởi họ sáng tác trong hoàn cảnh sống chết trong gang tấc. Chính vì thế, trong đợt xét duyệt hồ sơ của hội đồng chuyên môn, các tác phẩm về thời kỳ xây dựng đất nước thường hay bị “nâng lên đặt xuống”.

“Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh phải vượt tầm ra những giải bình thường. Đưa ra bàn cân, đưa ra giữa Hội đồng thì phải cân nhắc nhiều thứ. Ảnh chiến tranh có sự hi sinh, đổ máu của người phóng viên và nghệ sỹ thì nó rất lớn lao. Tuy tính chất nghệ thuật không nhiều, nhưng mà tư liệu lịch sử và giá trị nhân văn vô cùng quý giá. Cho nên những ảnh chiến tranh vào là hoàn toàn xứng đáng” - ông Hồ Sỹ Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống chia sẻ.

Trong khi các lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, văn học... năm nay gọi tên nhiều tác giả - tác phẩm thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước trong các đề cử giải thưởng thì với lĩnh vực nhiếp ảnh, những tác giả - tác phẩm thời kỳ này dường như chỉ xuất hiện theo kiểu “cho có” là điều khiến cho nhiều nghệ sĩ không khỏi băn khoăn, trăn trở.

“Về chất lượng và phạm vi mà mình chọn giải nó hơi bị hẹp, nó chưa tới. Phải chấp nhận những cái hiện tại, đang đổi mới, đang thay đổi, tất cả những gì đang diễn ra. Từ trước đến giờ, tất cả những lần xét giải thưởng thì anh em nhiếp ảnh chỉ mạnh dạn đưa những ảnh đã chụp về chiến tranh và họ cho rằng cái đó mới gắn rất chặt với giải thưởng còn những cái hôm nay thì họ có chụp cũng không nghĩ rằng sẽ được đưa vào giải ” - NSNA Vũ Huyến - nguyên Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận xét.

Cũng theo NSNA Vũ Huyến, thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước có rất nhiều thành tựu. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đồng hành suốt chiều dài giai đoạn quan trọng đó với nhiều tác phẩm, dự án mang ý nghĩa chính trị xã hội. Chính vì thế, việc xét tặng nên chăng cũng cần có những điều chỉnh phù hợp.

“Nên đặt nhiếp ảnh cũng như các ngành văn học nghệ thuật khác. Trong quy chế người ta không nói, không đặt vấn đề là không nhận những ảnh đó nhưng tâm lý của ngay hội chuyên ngành khi chọn đưa lên cũng chưa thật mạnh dạn chọn những cái hôm nay. Nhiều khi lại sinh ra chuyện tự ti, mặc cảm. Các ngành khác thì họ thuận lợi lắm nhưng nhiếp ảnh thì chịu, cái đấy là cái khó của nhiếp ảnh”.

Khi mà chính các tác giả, đơn vị làm hồ sơ giới thiệu vẫn còn tâm lý “e ngại” rằng “giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng rất lớn, rất ý nghĩa nên các phóng viên chiến trường xứng đáng đoạt giải hơn” thì việc phân biệt tác phẩm giữa hai thời kỳ có lẽ vẫn sẽ còn là một thực tế khó có thể phủ nhận.

Xin mời nghe âm thanh tại đây :