Trước thực trạng xâm hại di sản vì mục tiêu kinh tế thời gian qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế" để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Về xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tác giả quan tâm, làm rõ những mặt hạn chế, bất cập trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản kiến trúc đô thị.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần thiết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chinh quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong việc xây dựng, ban hành và thực thi quy định pháp luật liên quan đến di sản văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Công Việt cũng cùng chung quan điểm khi đưa ra những phân tích cụ thể đối với vấn đề quản lý quy hoạch xây dựng trùng tu, phục dựng, xây dựng mới di tích...
Đề cập đến mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể và di sản khảo cổ học, TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh đó là biện pháp hiệu quả để bảo vệ, phát huy bền vững di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, ThS. Đoàn Văn Luân, ThS. Chu Lâm Anh đã chỉ ra cách tiếp cận bảo tồn di sản văn hóa mới mẻ và hiệu quả rất đáng để các nhà quản lý tham khảo để ứng dụng mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa ở Việt Nam.
Chủ đề làm rõ mối quan hệ giữa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong hội thảo này. Nếu như tác giả Dương Văn Sáu cho rằng, di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững thì ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Văn Lưu lại muốn làm rõ vai trò “Phát triển du lịch bền vững ở điểm đến di sản văn hóa để đạt mục tiêu kép: bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”. ThS. Đặng Thị Kim Thoa thì chỉ ra những khó khăn hạn chế trong phát triển du lịch văn hóa thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa.
Đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu đã đề cập đến những kinh nghiệm của một số nước vận dụng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Còn GS.TS Trịnh Sinh thì bày bày tỏ mong muốn "biến di sản văn hóa thành điểm du lịch hấp dẫn", qua việc so sánh cách quản lý, bảo tồn di sản ở một số nước khác với nước ta, qua đó chỉ ra những mặt còn hạn chế, cần khắc phục. Trong khi đó, tác giả Vũ Thị Việt Nga lại cảnh báo làn sóng văn hóa từ nước ngoài, ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến sự biến đổi bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hội thảo "Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế" đã đóng góp nền tảng lý thuyết cần thiết để ứng dụng trong việc bảo tồn di sản ở Việt Nam hiện nay, tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc như thời gian qua.