Luật Thủ đô 2024 được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Mới đây, nhằm cụ thể hóa bộ luật này, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn. Theo đó, dự kiến Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội đô từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Theo dự thảo nghị quyết của UBND TP Hà Nội, 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm gồm:

Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mật độ dân cư cao.

Khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.

Khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.

Khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện.

Khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Theo KTS Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư TP. Hà Nội, việc xác định “vùng phát thải thấp” và hạn chế xe máy trong những vùng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô. Bởi lẽ, Việt Nam đã công bố với cộng đồng quốc tế về lộ trình thực hiện chiến lược NETZERO, trong đó Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe máy vào vùng nội đô từ năm 2025 và tiến tới cấm xe máy hoạt động trong những vùng phát thải thấp.

“Việc xác định “vùng phát thải thấp” và hạn chế xe máy trong những vùng này đã được Hà Nội triển khai thực tế từ năm 2016 với việc mở rộng phố đi bộ ven Hồ Gươm và từng bước nghiên cứu mở rộng phạm vi là những bước cụ thể hóa. Mặc dù chỉ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần nhưng chúng ta thấy có kết quả rõ ràng: không khí trong lành hơn, không gian đi bộ an toàn thu hút các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng nhiều hơn, kèm theo những hoạt động dịch vụ thương mại gia tăng và tạo ra hiệu ứng “phố đi bộ” ở nhiều nơi” – KTS Trần Huy Ánh nhận định.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT TP. Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 6 triệu xe máy. Xe gắn máy không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người. Chính vì vậy, việc đề xuất hạn chế xe máy vào nội đô khiến người mừng-người lo. Mừng vì chất lượng không khí sẽ trong lành hơn, đường phố sẽ bớt ùn tắc hơn. Còn lo nhất là đội ngũ những người mưu sinh bằng xe máy lên tới hàng triệu người.

Thế nhưng, dù nhìn ở khía cạnh nào thì theo KTS Trần Huy Ánh, với thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, đã tới lúc chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh để giải quyết. Trong đó hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp… “Chúng ta có thể thử nghiệm kiểm soát vào năm 2025 ở khu vực trung tâm thành phố, cụ thể là quận Hoàn Kiếm với việc thu phí ô tô, xe máy. Đồng thời phát triển các tuyến xe bus sạch giá rẻ, chạy ưu tiên kết nối các phương tiện giao thông công cộng hiện có. Thu phí cao khi đỗ xe trong trung tâm thành phố bằng thu phí tự động. Cùng với đó, khuyến khích xe ôm công nghệ, shipper chạy xe điện hoặc nhiên liệu sạch… Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiệu chỉnh chính sách”.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hai vấn đề cốt lõi để thực hiện được việc cấm xe máy trong nội đô là: chuyển đổi nghề nghiệp cho những người lao động mưu sinh bằng xe máy và tăng cường các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó cần thay thế dần các xe chạy xăng bằng các xe sử dụng nhiên liệu xanh, sạch, xe điện…

Một thủ đô văn minh, trong lành, giao thông thông thoáng, không ùn tắc là mơ ước. Việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong các khu vực trọng điểm là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai gần, hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, việc hạn chế xe máy sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho người dân thành phố. Do đó, việc hạn chế xe máy là một chủ trương đúng nhưng cần lộ trình phù hợp và đi liền với những giải pháp đồng bộ và nhân văn.

Xin mời nghe nội dung bài viết tại đây: