Một mùa Xuân nữa đang về. Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Với ông Nguyễn Thế Phong và bà Ngô Thị Ngọc ở phố Cửa Đông, Hà Nội, năm nay đã gần 80 tuổi, "Tết xưa” vẫn luôn đong đầy và vẹn nguyên trong ký ức ông bà. "Nhớ lại thời gian đó thì vừa vui vừa cảm phục, gần đến ngày Tết thì cơ quan mổ lợn, chia cho mỗi cán bộ, công nhân viên 1 xâu thịt lợn khoảng 2-3kg với đầy đủ các bộ phận của con lợn chứ không phải một miếng chặt to đâu, thủ một ít, lòng một ít, nạc rồi mỡ… mỗi thứ một ít, xách về sướng lắm, vất vả nhưng rất tự hào".
"Kỷ niệm đáng nhớ nhất là HN lúc đó rất thiếu nước sạch, toàn phải dậy đêm đi ra phố xách nước về nhà dùng, nhưng mỗi 1 lần tết nhà tôi phải trữ thêm nước để còn rửa lá, vo gạo và gói bánh chưng. Đi chợ hoa tết thì chỉ có đi chợ Hàng Lược thôi, mà chỉ đi xem, đi ngắm là nhiều chứ mua là mấy. Đói ngày nào thì đói chứ 3 ngày tết là phải no, đối với tuổi nào thì tết cũng thiêng liêng", bà Ngọc nhớ lại.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, "Tết xưa" không khí thật rộn rã. Bởi lúc bấy giờ, mọi thứ trong nhà, từ đồ ăn thức uống đến các vật dụng để trang trí nhà cửa đều do chính bàn tay con người tự làm chứ không như bây giờ cái gì cũng có sẵn ở chợ. Không khí náo nhiệt của mùa Xuân theo đó cũng lan tỏa khắp xóm làng.
"Mong đến Tết được chơi các trò chơi, nhất là những trò liên quan đến pháo, nhưng ngày xưa là pháo tết nổ đì đẹt, không gây tiếng ồn, nhà này đốt thì nhà kia ngó ra xem, khói thuốc vừa đủ thoang thoảng hòa vào trong tiết xuân. Rồi có những món ăn ngày xưa chỉ đến Tết mới được ăn như bánh chưng, thịt đông. Bánh chưng thì tất nhiên là các gia đình tự chuẩn bị, người ta mang lá ra cầu ao, bờ giếng để rửa, mang gạo ra đó đãi, rồi hỏi nhau nhà bà, nhà bác bao giờ gói bánh, gói bao nhiêu cái… thì nó đã thể hiện được không khí tết, tình xóm làng trong tết rồi", PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Tết có giá trị không chỉ bởi những phong tục tập quán đã nối truyền qua các thế hệ mà cách mỗi người đem lại ý nghĩa cho ngày Tết cũng vẫn được duy trì. Có thể thấy, những thay đổi trong suy nghĩ, lối sống, tư duy giữa các thế hệ đã nảy sinh những quan điểm khác nhau về Tết. Giới trẻ ngày nay có cách nhìn, cách hiểu, cách biểu hiện ý nghĩa ngày Tết hiện đại, linh hoạt hơn so với những thế hệ trước. Một số bạn trẻ thích đi du lịch dịp Tết, bởi với họ Tết bây giờ được định nghĩa như những ngày nghỉ, và đó cũng là cách để họ “chạy trốn” khỏi những cỗ bàn, mâm bát, chúc tụng mang tính hình thức. Nhưng đối với đa số người Việt, những giá trị của Tết cổ truyền Việt Nam thông qua các phong tục như: gói bánh chưng, cúng giao thừa, đi chúc tết… là nét văn hoá đã đi vào tiềm thức, được lưu giữ và phát triển theo cách phù hợp.
"Tôi cho rằng, cần phải có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị tinh thần, tinh hoa của quá khứ với những nét thay đổi văn minh hiện đại ngày nay để nó tạo ra một cái Tết phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và phù hợp với nhu cầu của các gia đình", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.
Với sự thay đổi của xã hội hiện đại, cuộc sống bận rộn nên người dân ngày càng có ít trải nghiệm về Tết. Không còn nhiều người biết gói bánh chưng, bày biện bàn thờ hay cúng bái tổ tiên. Bây giờ chỉ cần gọi điện là có người mang tới tận nhà, từ việc thuê người gói bánh, dọn nhà đến làm cỗ tết. Điều này khiến Tết "nhạt" đi trong suy nghĩ của mỗi người.
Nhưng theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Tết nguyên đán còn giữ nguyên giá trị, chỉ có cách thức thay đổi: "Có những thay đổi phát huy được giá trị văn hóa truyền thống nhưng cũng có những thay đổi thực sự chưa phù hợp lắm trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng là sự tất yếu của tiếp biến văn hóa thôi và trải qua thời gian chúng ta sẽ tinh lọc, lựa chọn được những gì phù hợp nhất với sự thay đổi của bối cảnh xã hội. Chúng ta không bài bác, không chống lại mọi sự thay đổi nhưng mọi sự thay đổi này phải là sự bồi đắp làm tốt hơn giá trị văn hóa của đất nước mình".
Tết xưa đơn sơ là thế, nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Kỷ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong tâm trí nhiều người. Vẫn là hoa đào, cây quất, vẫn bánh chưng xanh, dưa hành và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Và dù cách đón Tết mỗi thời đại có khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta đều hướng về những ngày Tết đoàn tụ bởi hồn cốt dân tộc, tinh thần của Tết xưa hay nay đều đang được gìn giữ trong tâm thức mỗi người.
Mời nghe bài viết tại đây: