Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên cả phương diện lượng khách cũng như doanh thu từ thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ đã gây ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những điểm đến có sự phát triển “nóng”.
Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, du lịch Việt Nam muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhất thiết phải phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch công ty Rustic Hospitality Group và Giám đốc đổi mới sáng tạo dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững, du lịch xanh mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các địa phương và cộng đồng bao gồm: Bảo vệ môi trường; Bảo tồn văn hóa và di sản; Tạo thu nhập và việc làm; Kích thích phát triển kinh tế; Tăng cường nhận thức và giáo dục; Tạo trải nghiệm du lịch độc đáo và gần gũi với thiên nhiên, văn hóa địa phương... Với những lợi ích đa dạng và toàn diện này, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 44 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách phát triển du lịch xanh; xử lý vi phạm với các hành vi xâm phạm môi trường, cảnh quan, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng bộ tiêu chuẩn phát triển du lịch xanh đồng bộ và hiệu quả...
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, việc chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững vừa là xu thế, là cơ hội nhưng cũng là thách thức của du lịch Việt Nam bởi "bài toán cốt lõi khi làm du lịch xanh, phát triển bền vững vẫn là tư duy và hành động. Chỉ khi có sự chung tay đồng lòng của cả cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư cũng như du khách, hành trình xanh hóa du lịch mới đạt được thành tựu".\
Tuy nhiên trong quá trình phát triển du lịch xanh ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế và vấn đề gây ảnh hưởng đến sự bền vững của ngành Du lịch, đó là khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả có thể gây mất cân bằng môi trường; thiếu sự gắn kết với bảo vệ môi trường: Mặc dù khái niệm du lịch xanh nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường nhưng thực tế là việc liên kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường vẫn chưa đạt được. Các biện pháp bảo vệ môi trường, như xử lý chất thải, bảo vệ nguồn nước và đảm bảo quy hoạch hợp lý, vẫn chưa được triển khai và thực hiện một cách hiệu quả.
"Để phát triển du lịch xanh sâu hơn, hiệu quả hơn cần lưu ý một số vấn đề: nâng cao nhận thức về du lịch xanh thông qua các chiến dịch truyền thông, khuyến khích khách du lịch chọn lựa các sản phẩm du lịch bền vững, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, cơ sở lưu trú xanh phù hợp với định hướng phát triển du lịch; cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan: chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương... để tạo ra chính sách, chiến lược cho sự phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo, giám sát và đánh giá hiệu quả các chương trình du lịch xanh ..."
Ông Phạm Hải Quỳnh- Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á
Sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường du lịch. Các khu du lịch và điểm đến thường xuất hiện các vấn đề như chất thải rắn, rác thải và nước thải chưa được thu gom và xử lý đúng quy trình. Việc phát triển du lịch không cân nhắc đã làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn...
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho biết, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng.
Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
Phát triển du lịch xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường và tài nguyên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và khách du lịch. Việt Nam có tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch xanh hàng đầu, thu hút khách du lịch quốc tế và góp phần vào phát triển bền vững của ngành Du lịch và đất nước. Với sự hợp tác và nỗ lực chung từ các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một ngành du lịch xanh mạnh mẽ và bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Mời quý vị nghe cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch công ty Rustic Hospitality Group tại đây: