Chiều 28/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa năm 2023. Hội nghị là một trong ba hoạt động lớn được Bộ VH-TT&DL tổ chức trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945-28.8.2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9.

Dự Hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện lãnh đạo tỉnh/thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc.

Hội nghị cũng nhận được thư chúc mừng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa; quyết tâm, quyết tâm cao hơn nữa của toàn ngành văn hóa. Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt. Tôi tha thiết mong muốn và tin tưởng rằng, những người làm công tác văn hóa nói chung, những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương nói riêng cần luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng”.

Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá phong trào thi đua của ngành văn hóa cũng như đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến lần này là dịp để ghi nhận những nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, động lực mới, đột phá mới từ văn hóa, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

"Đây chính là dịp biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, địa phương; tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành VH-TT&DL ngày càng phát triển về chiều sâu và chiều rộng. Thực chất là động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới".

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nói đến văn hóa là nói đến con người. Văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Văn hóa Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán đặc sắc, phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, hòa quyện thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Nhắc lại câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; Thủ tướng Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.

“Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong xã hội” - Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng, xúc động gặp gỡ 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc và trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc. Thủ tướng cho rằng, những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội.

Thủ tướng cho rằng, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao; bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả những di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết và làm động lực phát triển kinh tế, thể thao, du lịch, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Thủ tướng cho rằng, cán bộ ngành Văn hóa cần tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao chuyên môn, hăng hái thi đua, trở thành tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng đối với cộng đồng, xã hội.

Với các gương điển hình tiên tiến dự Hội nghị, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các điển hình tiên tiến sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tiếp tục là nguồn cảm hứng, là động lực, lan tỏa mạnh mẽ những “câu chuyện người thực, việc thực”, để sau Hội nghị này, cả nước sẽ có thêm ngày càng nhiều tấm gương tốt, nhiều cách làm hay, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ của ngành Văn hóa nói riêng, vì sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung.

“Các anh chị là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của lĩnh vực văn hóa. Hương sắc của những hành động đẹp đó sẽ lan tỏa trong cộng đồng để điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam - Một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc và ấm no” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 còn là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ Trung ương đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của ngành văn hóa. Qua đó, nhận thức sâu sắc hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Mỗi điển hình là minh chứng sinh động để lan tỏa những giá trị văn hóa. Trong đó, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, tỉnh Thái Nguyên, một tấm gương điển hình về việc truyền lửa cho thế hệ sau lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của văn hóa dân gian, người có gần 60 năm gắn bó với những làn điệu hát Then. Bà được ví như một bảo tàng sống về những làn điệu Then. NNND Hoàng Thị Bích Hồng không giấu niềm vui khi đã truyền dạy Then cho hơn 700 học trò, người lớn tuổi nhất là 86 tuổi, học trò nhỏ nhất học lớp 3. “Mừng nhất là rất nhiều học sinh yêu thích và trân trọng, bảo tồn văn hóa dân tộc của mình. Đấy cũng là động lực để tôi tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ tiếp theo để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Nhiều người say học Then khiến tôi quên đi mỏi mệt” - NNND Hoàng Thị Bích Hồng bày tỏ.

Nghệ sĩ múa Phạm Thu Hằng, Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, không chỉ là một nghệ sĩ múa nổi tiếng với nhiều vai diễn chính trong nhiều tác phẩm kinh điển, cô còn là tấm gương về sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo, vượt qua thử thách của bản thân để cống hiến và tỏa sáng. Sinh năm 1991, Phạm Thu Hằng sớm bén duyên với nghệ thuật múa từ năm 7 tuổi và theo học múa tại các hệ thống trường đào tạo nghệ thuật chính quy như Cung thiếu nhi Hà Nội, trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Từng tốt nghiệp hạng xuất sắc hệ đào tạo 7 năm chuyên ngành diễn viên múa cổ điển châu Âu và đã gặt hái được những thành công như huy chương vàng tác phẩm múa “Hạn hán” tại Liên hoan nghệ thuật 4 nước Đông Dương và huy chương vàng tác phẩm múa “Mùa xuân trên bản H’Mông” tại Liên hoan múa quốc tế. Thế nhưng, năm 2016, Phạm Thu Hằng quyết định thử thách mình với nghệ thuật múa hàn lâm (ballet) và trở thành diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, để rồi sau đó đã đạt được huy chương vàng tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng” tại Liên hoan múa quốc tế năm 2017, huy chương vàng khi tham gia vở nhạc kịch “Lá đỏ” tại Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh năm 2019.

Nghệ sĩ Phạm Thu Hằng chia sẻ, được tuyên dương lần này là vinh dự, thêm một dấu mốc trong hành trình nghệ thuật của mình: “Tôi chỉ có một quan niệm đơn giản là cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim nhanh nhất. Tôi luôn nhắc nhở bản thân mình là làm việc thì cần phải chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc, luôn luôn đặt cái tâm lên hàng đầu thì nghề sẽ không phụ mình. Bí quyết duy nhất của tôi để biến khó khăn thành thử thách chứ không phải là chướng ngại vật đó là ý chí quyết tâm mạnh mẽ. Nghề múa là khổ luyện, nếu mình bỏ cuộc thì tất cả sẽ trở về con số 0”

Phát triển, lan tỏa văn hóa đọc là một hành trình chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, nhưng chị Trần Thị Mỹ Trinh, Giám đốc của Thư viện tỉnh Đồng Tháp lại có nhiều sáng kiến thu hút bạn đọc đến với thư viện truyền thống. Với quan niệm, thư viện không chỉ là nơi giữ sách, chứa sách mà phải thật sự là điểm đến, điểm hẹn văn hóa của tất cả mọi người, chị Trần Thị Mỹ Trinh đã cùng các đồng nghiệp vận dụng sáng tạo để xây dựng không gian thư viện Đồng Tháp xanh, sạch, đẹp, thân thiện với bạn đọc, trang thiết bị hiện đại, nguồn tài nguyên tư liệu phong phú. Phương châm phục vụ của thư viện Đồng Tháp là nhanh, chính xác và thuận tiện. Hơn nữa, không chỉ đọc tại chỗ, thư viện Đồng Tháp còn tạo nhiều không gian đọc mở, không gian đọc lưu động và hơn 300 tủ sách khuyến đọc. “Chúng tôi làm tất cả những điều này không mong gì hơn ngoài việc góp phần xây dựng hình ảnh con người đất Sen Hồng Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” – Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh nói.

78 mô hình tập thể, cá nhân điển hình ngành văn hóa năm 2023 mỗi nơi, mỗi người đều chứa đựng những câu chuyện vô cùng đặc biệt của riêng mình, khó có thể ngôn từ nào nói hết. Nhưng có một điểm chung đó là họ sống như những bông hoa, lặng lẽ, bền bỉ dâng hương cho đời, tất cả vì một xã hội tốt đẹp hơn, bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng tỏa sáng.