Không đạo cụ, không kịch bản sẵn, trang phục cũng hết sức bình thường, tất cả những gì các thành viên High Club mang lên sân khấu chỉ là khả năng sáng tạo, sự hoạt ngôn, ứng biến trôi chảy để ngay lập tức cho ra đời những tiểu phẩm ngắn từ các gợi ý tức thời của khán giả.
Mà gợi ý thì chẳng lần nào giống lần nào, đa phần đều rất “trời ơi đất hỡi” như: một lần trốn học đi chơi, một kỷ niệm nhớ đời, hay vở kịch phải có nhân vật là Doraemon, King Kong, Tôn Ngộ Không… Vậy nhưng, các diễn viên vẫn phải làm sao cho ra đời những vở diễn thuyết phục được khán giả. Và họ làm được thật!
“Quá vui, quá hay. Mọi người thật sự là những diễn viên rất tài giỏi" - một khán giả bày tỏ. "Quá sáng tạo. Phản ứng của các bạn ứng tác rất nhanh, hài hước. Phải nói các bạn quá giỏi”.
Thành lập vào tháng 7/2020, High Club là CLB hài kịch ứng tác đầu tiên của Hà Nội. Hai thành viên sáng lập là bạn Đào Ngọc Hà, tốt nghiệp khoa Đạo diễn, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và bạn Hoàng Thu Trang, hiện là diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. CLB có 7 thành viên, đã tổ chức được 3 buổi diễn ở nhiều địa điểm khác nhau tại Hà Nội.
Đào Ngọc Hà chia sẻ, hài kịch ứng tác là một môn nghệ thuật xuất xứ từ châu Âu, đã có tuổi đời khoảng 5 thế kỷ nhưng mới chỉ du nhập vào Việt Nam gần đây. "Hài kịch ứng tác ra đời từ khoảng thế kỷ 15, 16. Nguồn gốc của nó là phát triển từ hài kịch đường phố Comedia dell’arte của Ý", Đào Ngọc Hà nói.
"Những nghệ sỹ của môn Comedia dell’arte sẽ ra các quảng trường, sân khấu, dựa trên những tích truyện có sẵn, họ thường có xu hướng ứng biến ngẫu hứng xung quanh tình huống gốc đấy để tạo ra những tình huống hài mở rộng cho khán giả. Hình thức này phổ biến trên thế giới từ khá lâu rồi, nó mới về Việt Nam cách đây khoảng 5 năm thôi. High Club muốn phát triển hài kịch ứng tác không chỉ là một bộ môn trên đường phố mà bọn em muốn mang nó lên những sân khấu lớn”.
Chính bởi vì không có kịch bản trước nên các buổi tập của những thành viên High Club rất khác so với những buổi tập kịch truyền thống. Theo Hoàng Thu Trang, yếu tố đầu tiên cần rèn luyện chính là phản xạ và sự ăn ý, thấu hiểu lẫn nhau. Thứ hai là khả năng lắng nghe, đồng thuận với những dữ kiện bạn diễn đưa ra, có thế mới phát triển được đề bài của khán giả để tạo nên một vở kịch hoàn chỉnh.
Điều thuận lợi là, thành viên High Club đều là những diễn viên có nền tảng diễn xuất tốt: “Bản thân các thành viên CLB đều được đào tạo tại trường Sân khấu Điện ảnh hoặc một số nhà hát, nền tảng diễn xuất thì bọn mình đều chắc, từ biểu hiện cảm xúc đến cách vào nhân vật. Cái mà các diễn viên cần rèn luyện chỉ là khả năng ứng biến và ứng tác mà thôi”.
Đạo cụ duy nhất mà các diễn viên hài kịch ứng tác mang lên sân khấu chỉ là những chiếc ghế. Đây cũng được xem là biểu tượng của bộ môn nghệ thuật này, bởi nó gắn liền với nguồn gốc đường phố của hài kịch ứng tác. Đứng ở vai trò đạo diễn, Đào Ngọc Hà cho rằng, yếu tố làm nên thành công cho một vở diễn hài kịch ứng tác, đầu tiên là sự thấu hiểu, và thứ 2 là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các diễn viên.
“Ngoài đạo cụ chiếc ghế thì không có bất cứ đạo cụ nào khác, diễn viên sẽ phải hợp tác với nhau để tạo ra hình ảnh sân khấu cho khán giả nhìn thấy", Hà chia sẻ. "Để làm cho khán giả cười và truyền tải được câu chuyện mà diễn viên muốn kể thì kỹ năng làm việc với nhau phải rất thuần thục. Khi cảnh diễn đang diễn ra ở trên thì những bạn đứng dưới (gọi là back line) có thể hỗ trợ bằng sound effect, giả tiếng chuông cửa, chuông điện thoại, hát… Ví dụ cảnh có người đi vào nhà thờ thì các bạn ở dưới sẽ hát kiểu trong nhà thờ, hay tiếng chó mèo gì đấy. Để có vở diễn ứng tác hay thì đòi hỏi kinh nghiệm diễn xuất của các bạn diễn viên tham gia vở diễn”.
Cũng bởi tính chất ngẫu hứng, “ứng tác” nên cái khó nhất của loại hình nghệ thuật này là kiểm soát hướng đi của câu chuyện, làm sao để vừa đáp ứng đề bài khán giả đưa ra mà vẫn hợp logic: “Cái khó của các diễn viên hài kịch ứng tác là kiểm soát câu chuyện sẽ đi đến đâu. Bởi vì có những cảnh nếu tiếp tục phát triển thì sẽ không ổn, chẳng hạn như có trẻ con, hoặc 18+… thì các diễn viên phải kiểm soát được" - Đào Ngọc Hà nói.
"Hoặc có những lúc đi quá xa vượt khỏi thuần phong mỹ tục, thì những điều đấy bọn em phải tập luyện hàng ngày để kiểm soát và tiết chế được. Bởi vì ngẫu hứng và ứng biến mà, khi diễn viên được đặt vào những tình huống nhất định với những gợi ý, chẳng hạn như các từ khóa nhạy cảm, thì bọn em phải có cách tiết chế và đưa câu chuyện theo hướng để nó trở thành cảnh có ý nghĩa và mang đầy đủ giá trị của sân khấu là chân – thiện – mỹ”.
Chính bởi tính chất ứng biến tức thời nên mỗi chương trình hài kịch ứng tác đều là “độc bản”, kể cả chủ đề giống nhau thì cũng không bao giờ có 2 đêm diễn giống hệt nhau. Điều này tạo nên thử thách thú vị, giúp các bạn diễn viên khám phá những khả năng bất ngờ của bản thân.
“Khi ứng biến thì khác rất nhiều so với việc mình được tập luyện một khoảng thời gian dài rồi mới ra vở" - Hoàng Thu Trang cho biết. "Đôi khi sẽ có những vở mình cảm thấy chưa hay, diễn xong rồi chưa hài lòng lắm. Nhưng cũng có những vở mà mình không ngờ là sao nó lại hay được đến thế. Mỗi lần lên là mỗi lần diễn viên được thử thách trên sân khấu, chứ không phải bằng sự an toàn như kịch truyền thống”.
Xuất phát từ nghệ thuật đường phố, hài kịch ứng tác đã tìm được chỗ đứng, xuất hiện trên nhiều sân khấu lớn tại châu Âu, nơi nó ra đời. Ở Việt Nam, số lượng nghệ sỹ, các nhóm hài kịch ứng tác chưa nhiều, nhưng mong muốn của Đào Ngọc Hà, Hoàng Thu Trang và những thành viên High Club là phổ biến bộ môn nghệ thuật này, để ngày càng có nhiều người biết đến sự thú vị của hài kịch ứng tác.