Hội nghị Giơ-ne-vơ là Hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã khẳng định tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: "Chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, song cơ động linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành được các mục tiêu chiến lược của chúng ta. Đó là bài học về việc luôn coi trọng công tác nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình; về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng xung đột trong quan hệ quốc tế. Đây là bài học mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay".

Đặc biệt, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Chúng ta vô cùng biết ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Quang, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lý luận chính trị, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự (Học viện Chính trị) cho rằng, để có được Hiệp định Giơ-ne-vơ chúng ta phải nhìn toàn cảnh, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự và ngoại giao, trong đó mặt trận quân sự là mặt trận quan trọng nhất, là yếu tố huy động sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc để đưa đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp, các cường quốc phải nhìn nhận lại vị trí, vai trò, địa vị của Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và đang khẳng định được vị thế, quyết tâm của nhân dân, toàn Đảng toàn quân ta trong cuộc đấu tranh này để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận. Đây cũng lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một Hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị, tạo điều kiện cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.

Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương bên lề, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc với nhiều kết quả quan trọng gồm 3 hiệp định Đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam pu chia; 1 bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, 2 bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp; các công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Pháp. Những văn bản này tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố, tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Bên cạnh những bài học về nguyên tắc như bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất tuyệt đối của Đảng, kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc, Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng để lại nhiều bài học còn nguyên giá trị về phương pháp nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc, gắn kết với đoàn kết quốc tế để tạo nên một sức mạnh vô địch. Trong quá trình đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta đã không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ta. Đó là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt biến hóa về sách lược, theo phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến".

Có thể khẳng định rằng Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chứa đựng những giá trị trường tồn với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam và đã được minh chứng suốt 70 năm qua. Hiệp định đã thể hiện tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.