Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trong một thung lũng núi đá vôi nhỏ có diện tích khoảng 5ha, vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Đây là Bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường.

Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là: khu Tái hiện và khu Trưng bày.

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu thì việc anh phục dựng lại một xã hội Mường đầy đủ những nét đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán, lối sống… không chỉ là bảo tồn nền văn hóa của người Mường cổ mà anh còn mong muốn khi du khách tham quan có thể hiểu, cảm nhận về văn hóa của tộc Mường giai đoạn từ trăm năm trước.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu được thương hiệu sách hướng dẫn du lịch “Lonely Planet” chọn là một trong 9 điểm đến hàng đầu khi du lịch Việt Nam. Có thể nói đây là một công trình quá ý nghĩa trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa Mường nói riêng, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung đang dần mai một.

Và phương thức bảo tồn di sản văn hóa của Hiếu Mường mới đây cũng vừa nhận được Giải thưởng quốc tế Jeonju về quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (Jeonju International Awards 2020) do thành phố Jeonju, Hàn Quốc tài trợ nhằm công nhận và khuyến khích việc thúc đẩy, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng toàn cầu.

Quả thực, có đến thăm Bảo tàng Không gian văn hóa Mường mới thấy được sự kỳ công của chính chủ nhân.

Ngoài 4 khu nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường xưa, đó là: Nhà Lang, nhà Ậu, nhà Noóc và nhà Noóc trọi, nơi đây còn có rất nhiều các hiện vật quý như là: cồng, chiêng, lư, công cụ đánh bắt cá, dụng cụ săn bắn, các đồ dùng sinh hoạt gia đình...

Có thể nói Bảo tàng mang đến cho người xem những cảm nhận sâu sắc về đời sống tinh thần, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội, văn hóa đặc trưng của người Mường qua nhiều thế kỷ.

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu thì anh gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào công trình này, đây cũng là cách để gieo mầm, giới thiệu văn hóa Mường đến với thế hệ trẻ và du khách.

Đến với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, người xem được tiếp cận trực tiếp các hiện vật thay vì chiêm ngưỡng chúng trong tủ kính như đa số các bảo tàng thường làm. Chính điều này đã giúp người tham quan tiếp cận với nền văn hóa Mường theo một cách gần gũi nhất. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho rằng cách làm này sẽ góp phần hiệu quả giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là văn hóa cổ.

Chúng ta không thể định giá cho tình yêu và tâm huyết của một con người như Vũ Đức Hiếu, qua những tháng năm lặn lội kỳ công tìm đường gìn giữ giá trị văn hóa Việt. Chỉ biết rằng, ở nơi đây – trong một không gian văn hóa đích thực – những giá trị văn hóa cổ đã được hồi sinh và lan tỏa.