Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam lần thứ 14 đang diễn ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế (từ 1-6/8/2023), do đơn vị Engaging With Vietnam (EWV) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đại học Nghệ thuật Đại học Huế, Khoa Quốc tế - Đại học Huế tổ chức, tập trung vào chủ đề di sản: "Sống cùng di sản, tái tạo/Tạo di sản: Việt Nam và thế giới". (“Living with Heritage, (Re)creating Heritage: Vietnam and the World”).

Trong lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật quốc tế - một trong những hoạt động của chương trình Hội thảo – diễn ra vào tối 2/8, có tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại chỗ, bao gồm: biểu diễn ca nhạc truyền thống do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tài trợ; biểu diễn nghệ thuật của giảng viên và sinh viên Đại học Trà Vinh; biểu diễn trang phục di sản văn hóa phi vật thể hầu đồng của nghệ nhân mọi miền v.v. Cụ thể là trình diễn trang phục của các giá đồng trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Theo các nghệ nhân, người thực hành tín ngưỡng (thực hành di sản) và các chuyên gia, nhà nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, màn trình diễn trang phục này đã làm sai lệch tín ngưỡng, không đúng quy trình thực hành di sản và vi phạm tới "tính thiêng" của tín ngưỡng, gây nên những bức xúc cho các nghệ nhân, người thực hành di sản.

Trao đổi với VOV2, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên- Huế lý giải: “Đây là 1 hình thức giới thiệu, trình diễn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết, là cách tiếp cận nhìn về di sản chứ không phải là hầu đồng ở đó. Đối tượng tham dự buổi trình diễn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, không đưa ra cộng đồng”.

Tuy nhiên, trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trang phục được sử dụng trong các giá hầu (mà chương trình nghệ thuật đã trình diễn trong lễ Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại Huế) có giá trị đại diện cho các vị thánh, mang “tính thiêng” và phải làm lễ trước khi sử dụng (mặc, cởi, giặt…), không như việc sử dụng các trang phục khác (như áo dài khăn đóng, áo dài truyền thống, áo tứ thân, hay các trang phục trình diễn thời trang khác…). Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ngộ, người thực hành di sản tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, "áo Thánh chỉ mặc khi Hầu Thánh, áo đại diện cho Thánh, nên không được “đưa” Thánh lên sân khấu như vậy"...

Còn từ góc độ quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, việc trình diễn như vậy đã không tuân thủ nội dung của Công văn số 618 ngày 12/2/2018 của Bộ VH-TT&DL về "Chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong thực hiện di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Công văn số 3094 ngày 26/8/2021 của Bộ VH-TT&DL về "Tăng cường quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO" và mới đây nhất là Công văn số 2973 ngày 21/7/2023 của Bộ VH-TT&DL về "Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, làm ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của các văn bản chỉ đạo của Bộ VT-TT&DL".

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (Điều 20) và Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Đoạn 85, 101c, 153biii… Hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 và Điều 10, Nguyên tắc đạo đức Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể), đây là hoạt động làm sai lệch di sản (đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản); vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản".

Vì tình yêu với di sản và mong muốn quảng bá di sản thông qua nghệ thuật là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về di sản mà lại làm sai lệch di sản, suy giảm giá trị di sản, ảnh hưởng công tác quản lý nhà nước về di sản (cho dù vô tình) thì cũng cần chấn chỉnh kịp thời.