Theo ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, thời gian qua cảng Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang, trong đó có sự xuất hiện thường xuyên của các hãng: Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Costa Criere, Princess Cruise, Mary Queen 2… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, các hãng tàu du lịch hợp đồng trước đó 1-2 năm có kế hoạch đăng ký cho tàu cập cảng phải hủy chuyến.

Cũng theo ông Hoàng Phước Nhật, năm 2024, Thừa Thiên Huế dự kiến đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và gần 19.000 thuyền viên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, dù tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp. Vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần lưu ý việc tạo sản phẩm, thu hút khách du lịch tàu biển, còn các đơn vị quản lý, đặc biệt là cảng Chân Mây cần tích cực nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cầu cảng, tạo cơ chế chính sách cũng như đảm bảo an toàn an ninh cho du khách, duy trì hệ thống cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô...

Tại hội nghị, các Sở, ban ngành và các doanh nghiệp cũng đã nêu ra nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc đón khách du lịch tàu biển. Trong đó đáng lưu tâm là vẫn còn tình trạng đặt đáy, lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu, gây mất an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, khu vực ngoài cổng cảng không có bãi đỗ dành cho các phương tiện chuyên chở khách nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn khi phương tiện vào đón khách du lịch và gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm tình trạng người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lấn chiếm luồng hàng hải, khu quay trở, khu neo đậu tàu tại khu vực hàng hải Chân Mây; xem xét hỗ trợ giảm cảng phí cho các tàu du lịch vào cảng biển Thừa Thiên Huế định tuyến hoặc nhiều lần. Ngoài ra, kêu gọi đầu tư, các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đốc thúc các dự án đang triển khai trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.

Trước thực tế này, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan cần ban hành các chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển, đầu tư cho hệ thống cảng biển chuyên dụng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách tàu biển. Đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm chuyên đề hấp dẫn, có điểm nhấn, trong đó tập trung vào các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... và các thị trường nguồn tiềm năng như Bắc Mỹ và Châu Âu; tham gia các hội chợ du lịch tàu biển quốc tế, tích cực trong hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch tàu biển; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin điểm đến với các hãng tàu du lịch hoạt động thường xuyên ở khu vực.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND quy định quản lý về hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển Thừa Thiên - Huế.