Nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, phong phú và đa dạng. Cùng với đó là những nét đẹp văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững, từng bước quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bình đến với du khách gần xa.

Cách trung tâm huyện Yên Bình chừng 10 cây số, thôn Đá Trắng, xã Vũ Linh nằm nép mình giữa những rặng cây và cánh đồng lúa xanh mướt cùng một cuộc sống hết sức thanh bình. Tại nhà văn hóa của thôn, chúng tôi gặp nghệ nhân ưu tú Âu Thị Chính và La Thị Tý đang đứng lớp truyền dạy cho các em trong thôn học nói, viết, hát và múa những làn điệu dân gian của dân tộc Cao Lan.

Nghệ nhân La Thị Tý cho biết, đồng bào Cao Lan ở đây vẫn gìn giữ và bảo lưu được những nét văn hóa, văn nghệ dân gian rất đặc sắc. Chính vì thế, tranh thủ 3 tháng hè, các bà đã động viên con, cháu trong thôn ra đây tập luyện, qua đó khơi dậy trong các em tình yêu, niềm đam mê và trân trọng những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. "Chúng tôi dạy viết, nói, các điệu múa về làm nương, làm rẫy, xúc tôm, xúc cá, làm cốm… Cha ông đã truyền cho mình nếu bây giờ mình không truyền lại cho các cháu là sẽ mất hết".

Thôn Đá Trắng chủ yếu là đồng bào Cao Lan. Để phù hợp với nhu cầu của xã hội, hầu hết con, cháu trong thôn đều viết và sử dụng tiếng phổ thông. Chính vì thế, lo ngại những nét đẹp văn hóa, văn nghệ của dân tộc có nguy cơ bị mai một, hai nghệ nhân đã tự nguyện đứng lớp để truyền dạy cho các cháu. Nghệ nhân ưu tú Âu Thị Chính cho biết, lớp có 20 học viên, là các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Sau 3 tháng tham gia, hầu hết các em đều đã biết viết, biết nói và biết hát bằng những từ ngữ của dân tộc mình. Đó thực sự là niềm vui đối với các nghệ nhân.

"Lúc đầu phải đến nhà nói chuyện với bố mẹ các cháu, rồi động viên các cháu đến lớp học. Có những bài hát các cháu không biết cứ ngơ ngác mãi, chúng tôi phải dạy từng câu, từng chữ, bây giờ các cháu cũng thuộc được rồi. Dạy múa cũng như vậy. Tuổi già có cơ hội được truyền dạy cho các con, các cháu thấy rất là phấn khởi và vui" - nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính chia sẻ.

Dưới sự dìu dắt của hai nghệ nhân, hầu hết các em trong lớp giờ đã có thể tự tin ngân lên những lời ca, điệu múa truyền thống, đồng thời hiểu thêm về bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Em Lại Thị Thanh Trúc, thành viên của lớp cho biết: "Đến đây thì em biết được nhiều cái mới, biết rõ tiếng nói, văn hóa phong tục của dân tộc mình. Em học ở trường nội trú và em cũng hay mang bản sắc dân tộc của mình giới thiệu với các bạn ở trường và các bạn rất là thích...".

Theo nghệ nhân ưu tú Âu Chị Chính, việc mở lớp để nhằm khôi phục lại được nhiều làn điệu dân ca dân vũ của các dân tộc trên địa bàn xã Vũ Linh. Những buổi sinh hoạt còn là dịp các thành viên được giao lưu thắt chặt thêm mối đoàn kết cộng đồng: "Làm thế nào để truyền dạy hết cho các cháu, rồi sau này các cháu lại truyền cho các cháu bé hơn. Mình phải làm như vậy thì truyền thống văn hóa, nguồn gốc của cha ông mới không bị mai một".

Yên Bình là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc riêng. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống đã tạo nên sức hút diệu kỳ đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì thế, huyện đã triển khai xây dựng nhiều giải pháp cụ thể.

"Chúng tôi xây dựng duy trì phát triển các CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tổ chức tốt các lớp tập huấn về bảo tồn văn hóa trong đó có hỗ trợ cho các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền dạy về phong tục tập quán, về các làn điệu dân ca dân vũ, về tiếng nói chữ viết của đồng bào các dân tộc. Từ việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc để hình thành nên các sản phẩm du lịch địa phương" - ông Nguyễn Lê Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết.

Đến nay, Yên Bình đã cho ra mắt 14 CLB văn hóa, văn nghệ dân gian với gần 400 thành viên tham gia. Đặc biệt, để khuyến khích các CLB hoạt động hiệu quả, huyện Yên Bình đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi câu lạc bộ 10 triệu đồng. Dự kiến, đến năm 2025, 100% các xã thị trấn trên địa bàn huyện thành lập được CLB.

Mỗi CLB đều có quy chế luyện tập sinh hoạt cụ thể, trung bình từ 2-3 lần/ tháng. Để tránh ánh hưởng đến việc lao động sản xuất cũng như việc học tập của các thành viên, các CLB thường bố trí việc sinh hoạt luyện tập vào buổi tối thứ 7. Các thành viên nòng cốt còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt cùng các em nhỏ để hướng dẫn, truyền dạy cho các em những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống.

Có thể nói, từ khi các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian được huyện Yên Bình tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia ở mọi lứa tuổi. Điều này không chỉ giúp gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

Xin mời nghe chi tiết tại đây: