Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là hội nghị du lịch trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng được tổ chức bởi các nước Mekong kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đánh dấu cột mốc quan trọng phục hồi du lịch của các nước thành viên khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Diễn đàn quy tụ 250 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện các cơ quan du lịch quốc gia các nước GMS, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Destination Mekong, Agoda, Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương, OAG, YAANA Ventures, EXO Travel, Travelife và Hiệp hội Du lịch ASEAN, cùng các hiệp hội khác... Các ý kiến tại Diễn đàn tập trung xây dựng lại ngành du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ nhằm tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.

Phát biểu chào mừng sự kiện, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là sự kiện quốc tế đặc trưng trong chuỗi các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2022 mà Quảng Nam đăng cai. Đây không chỉ là cơ hội rất quý để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch độc đáo mới lạ của địa phương đến bạn bè, du khách gần xa, mà còn là dịp may hiếm có để tăng cường liên kết, hợp tác, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Cũng qua đây để nhằm thúc đẩy, phục hồi mạnh mẽ du lịch, nhất là kết nối các điểm du lịch của Việt Nam, Quảng Nam với các nước thành viên GMS.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, mặc dù có những tín hiệu tích cực trong phục hồi du lịch, nhưng môi trường kinh tế cũng đối diện nhiều thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch tăng. Điều này đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp du lịch, ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch tiểu vùng. "Để phục hồi đà tăng trưởng, trong thời gian tới các nước tiểu vùng cần ưu tiên tăng cường liên kết, hợp tác nội khối; thúc đẩy hiệu quả hợp tác Công - Tư và xây dựng quan hệ đối tác mới; đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch chung; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch...".

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày, thảo luận về tình hình du lịch hiện nay cũng như xu hướng và tác động của thị trường đối với động lực du lịch khu vực châu Á, Thái Bình Dương, đặc biệt trong khu vực GMS và cách các bên liên quan trong ngành du lịch thích ứng.

Bà Suvimol Thanasarakij - Giám đốc điều hành, Văn phòng điều phối Du lịch Mekong (MTCO) cho rằng, du lịch là ngành dễ bị ảnh hưởng bởi những rủi ro liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, xung đột. Đặc biệt, du lịch toàn cầu vừa phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra nên bây giờ là lúc các nước trong Tiểu vùng cần thắt chặt mối quan hệ hợp tác để tăng tính bền vững và nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi bền vững của du lịch như tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên cũng như việc áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch… cũng cần được quan tâm, đầu tư.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ chuyển giao cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 cho Campuchia. Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16 - 20/3/2023 tại tỉnh Preah Sihanoukville, Campuchia với chủ đề “Suy nghĩ lại về Khả năng phục hồi và Số hóa”.