Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ nhân dân đón Tết - du Xuân an toàn vui tươi, lành mạnh.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cho biết: "Đây là năm thứ 10 Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mô hình hoạt động sáng tạo để tạo sân chơi bổ ích cho những người có khát vọng cống hiến cho văn hóa, đặc biệt là sân chơi cho các tầng lớp nhân dân, các bạn trẻ Thủ đô và du khách quốc tế đến du xuân, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Việc tổ chức hội chữ Xuân là cơ hội để các ông đồ có thể trổ tài và đặc biệt, khi đến đây du xuân, người dân hoàn toàn yên tâm với các tác phẩm thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp để truyền tải thông điệp, ước mong, tình cảm của người dân trong năm mới. Đây là việc làm ý nghĩa mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai trong một thập kỉ qua", bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân… để thể hiện tinh thần “Hiếu học”, cũng như tôn vinh truyền thống “Hiếu học” của dân tộc Việt Nam.
Cùng với hoạt động viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (Không gian sĩ tử đi thi, Làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố…); Không gian văn hóa đọc; Giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày xuân; Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc: Quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Để đảm bảo cho du khách tới Di tích đón xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ… tại Hồ Văn và toàn bộ khu vực Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian diễn ra Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Trung tâm đã có sự chuẩn bị chu đáo cho Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, từ các hoạt động như triển lãm Thư pháp, lựa chọn người viết chữ cùng chương trình nghệ thuật truyền thống,… cho đến việc bố trí các gian viết chữ, các hoạt động trò chơi dân gia tại Hồ Văn; các triển lãm trong khu vực nội tự: Vẽ con Rồng, Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e Khơi nguồn Đạo học nhằm thu hút khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi hy vọng Hội chữ Xuân được tổ chức thường niên tại Hồ Văn sẽ là địa điểm du xuân yêu thích và là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa thu hút đông đảo khách tham quan Thủ đô, du khách đến từ mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế”.
Vẫn như thường lệ, hoạt động chính của Hội chữ Xuân năm nay là hoạt động cho chữ, xin chữ tại hồ Văn. Các gian lều viết chữ của 40 “ông đồ” sẽ được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Hội chữ Xuân sẽ diễn ra từ ngày 03/02/2024 đến ngày 19/02/2024 (Từ ngày 24 tháng Chạp năm Quý Mão đến 09 tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa hàng ngày hàng ngày từ 8h00 đến 22h00.