Nằm giữa trung tâm di sản, văn hóa cổ Sa Huỳnh (rộng 1.700ha), làng Gò Cỏ (Đức Phổ - Quảng Ngãi) với 83 hộ dân khá biệt lập. Mấy năm nay, Gò Cỏ được biết đến như là một điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, kỳ bí - nơi du khách được trải nghiệm một không gian sống cổ xưa, dưới trầm tích văn hóa, lịch sử có niên đại 2.500-3.000 năm.

Các chuyên gia nhận định, Gò Cỏ nói riêng và không gian văn hóa Sa Huỳnh nói chung là báu vật của Việt Nam. Nơi đây hội đủ văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không chỉ một nền văn hóa. Để làm sống dậy các giá trị di sản thì việc phát huy vai trò chủ động của người dân địa phương là vô cùng quan trọng, được xem là chìa khóa thành công. Và đó cũng là lý do cho sự ra đời của mô hình du lịch nông nghiệp - mô hình Hợp tác xã cộng đồng điều phối.

Để hiểu rõ hơn về mô hình này, VOV2 đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Công ty TNHH SungCo, thành viên của Hội đồng quản trị Hợp tác xã du lịch làng Gò Cỏ.

PV: Thưa bà, bà có thể giới thiệu về sản phẩm du lịch tại làng Gò Cỏ và mô hình Hợp tác xã cộng đồng điều phối?

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Gò Cỏ là một ngôi làng cổ, một điểm đến và đây chính là sản phẩm du lịch lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là điểm “hạt nhân” để kích thích những làng nghề xung quanh, phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa tại nơi này.

Về dịch vụ, hiện nay đã có một số tổ, nhóm dịch vụ được hình thành: dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn viên và trải nghiệm văn hóa địa phương. Những người không phải là thành viên Hợp tác xã vẫn có thể hợp tác được, vì nó điều phối để sử dụng tài sản một cách tốt nhất. Hợp tác trên quy chế còn việc ai nấy làm, ai làm đến mức nào sẽ được hưởng lợi ích đến đó. Bản chất của du lịch nông thôn là con người bản địa và văn hóa bản địa.

Lâu nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: du lịch dựa vào cộng đồng nhưng đối với chúng tôi, với mong muốn phát triển kinh tế bền vững thì chỉ dựa vào cộng đồng sẽ không thể phát huy hết được, nhiều khi còn bị động. Do đó nguyên tắc chúng tôi đưa ra là: cộng đồng là chủ thể. Muốn làm dịch vụ gì, quản lý ra sao, thiết lập quản lý như thế nào đều phải dựa vào cộng đồng. Chúng tôi đưa ra phương pháp thành lập hợp tác xã của cộng đồng, trong đó người dân nơi đây sẽ tự điều phối, tổ chức công việc của mình. Thứ hai, ý tưởng làm du lịch cũng phải xuất phát từ cộng đồng. Khi chúng ta nói đến dịch vụ du lịch, rất dễ hình dung đó là ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại, làm sao cho du khách trải nghiệm bằng những giác quan để cảm nhận được văn hóa địa phương. Vấn đề là làm sao để toàn thể cộng đồng có thể cùng đưa ra ý tưởng và cùng thực hiện nó. Để nâng cao sinh kế cho người dân thì chúng ta cần thời gian, cần nhịp độ vừa phải. Hợp tác xã sẽ giúp họ cân bằng điều đó. Khi khách đến sẽ liên hệ với hợp tác xã, từ đó hợp tác xã sẽ điều phối dựa trên quy chế lập ra.

PV: Đó là cách trao cho người dân quyền tự quyết, tự chủ về mô hình du lịch của chính mình, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Điều đó đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ. Bởi quyền đó từ trước đến nay vẫn luôn thuộc về người dân và nhiệm vụ của chúng tôi là kích thích vai trò ấy của họ, kích thích năng lực làm chủ của họ. Chúng tôi cố gắng đầu tư vào nhận thức, năng lực để tạo ra giá trị gia tăng trên cái có sẵn. Ngôi làng trên núi đá, nhìn ra biển, làm nông nghiệp không được bao nhiêu, còn biển chủ yếu là bãi ngang cũng khó phát triển. Nhưng bây giờ chúng tôi giúp họ chuyển hướng sang sử dụng tư liệu sản xuất, tài sản để phát triển du lịch. Trong mô hình này, một người làm nhiều việc, phát triển sinh kế: vừa là hướng dẫn viên, đầu tư dịch vụ lưu trú, làm dịch vụ ăn uống. Các thành viên trong gia đình có thể chủ động tham gia cùng.

PV: Hiện nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại nước ta đa phần manh mún, nhỏ lẻ, theo kinh tế hộ gia đình. Việc thuyết phục bà con tại Gò Cỏ tham gia hợp tác xã du lịch có gặp những khó khăn?

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Trước đây, bà con sống gần như biệt lập với bên ngoài, mặc dù chỉ cách đường quốc lộ 2.5km thôi. Trong giai đoạn đầu, người dân hơi hoài nghi, đề phòng chúng tôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì mình là người ở bên ngoài đến. Nhưng ngay từ ban đầu, chúng tôi đã mong muốn phát triển bền vững, trong đó lấy du lịch cộng đồng là động lực để phát triển những ngành nghề khác. Chúng tôi đã tham khảo nhiều tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các chuyên gia và từ chính kinh nghiệm của mình, làm sao để phát triển ở mức độ vừa phải và bảo tồn được di sản. Sau đó, các anh chị ở Sở Nông nghiệp đề xuất chúng tôi làm OCOP. Tuy vậy, khi xem tiêu chí thì chúng tôi thấy chưa phù hợp lắm, nếu áp dụng sẽ không có điểm.

Nhưng đến tháng 6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định mới để thay đổi bộ tiêu chí này theo hướng phát triển bền vững, trong đó đề cao sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý cũng như được hưởng lợi, cùng một số yêu cầu về bảo vệ môi trường… Chúng tôi thấy phù hợp và đăng kí tham gia.

Với công cụ là mô hình Hợp tác xã cộng đồng điều phối, doanh nghiệp xã hội của chúng tôi trong vai trò thành viên sẽ hỗ trợ cho người dân nơi đây công tác quản trị, điều phối các hoạt động giáo dục cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho bà con, đồng thời nâng cao nhận thức, tư duy trong cách làm du lịch. Thứ hai, chúng tôi cũng có vai trò kết nối các nguồn lực, trong đó có việc vận dụng những chính sách, cơ chế hợp lý, từ đó đưa ra những văn bản kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách trong quá trình triển khai nếu thấy bất cập. Chúng tôi cũng mời các nhà khoa học về đây để thông tin, chia sẻ cho bà con biết giá trị văn hóa, giá trị địa chất, tài nguyên thiên nhiên ra sao, cùng với đó vận động chính quyền địa phương tham gia vào việc làm du lịch.

PV: Câu chuyện làm du lịch nông nghiệp ở làng Gò Cỏ đã truyền cảm hứng cho những người đang dè dặt khi bước chân vào mô hình này. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn là sự linh động trong tổ chức, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, của người dân bản địa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Sự linh động trong quản lý khiến cho cộng đồng chủ động- trở thành chủ thể trong phát triển kinh tế, vừa phát huy nội lực, có đủ điều kiện để tiếp thu ngoại lực. Người ta biết nên tiếp nhận cái gì và không nên tiếp nhận cái gì, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của họ. Họ biết được đối tượng nào phù hợp với mình, sẽ giúp cho ngôi làng phát triển. Quy mô của nó cũng khá nhỏ, mang tính hạt nhân và kết nối, mở rộng các dịch vụ khác.

Chúng tôi xây dựng mô hình này không phải để độc quyền mà mong muốn từ thực tiễn có thể tham khảo để bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp. Ở đâu cũng có tài sản, có tiềm năng, cũng có thể làm mô hình du lịch này, đặc biệt là khu vực miền núi, những ngôi làng nghèo khó, chưa có bóng dáng khách du lịch. Chương trình của miền núi hiện nay không còn trong phạm vi quốc gia nữa mà hiện nay đã có công ước quốc tế, với những tiến triển tích cực trong bảo tồn rừng, dịch vụ bảo tồn môi trường rừng… Khi rừng được khôi phục thì năng lực của người dân sẽ quay trở lại, sản phẩm văn hóa sẽ phong phú trở lại, sản phẩm du lịch sẽ đa dạng hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Thị Diễm Kiều!