“Khi nhà văn bàn về giới” là hoạt động nằm trong chuỗi dự án sử dụng nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới. Dự án do Ơ Kìa Hà Nội và Wise đồng tổ chức, dưới sự tài trợ của Australian Aid cùng Investing In Women. Đây là buổi tọa đàm trực tuyến thuộc phần đầu tiên của art tour online bao gồm 3 hạng mục: văn chương, mỹ thuật, điện ảnh.

Tại buổi thảo luận trực tuyến kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ tối 12/09/2021, thu hút hơn 2.500 lượt người xem và hơn 800 người tham dự trực tiếp, những người tham gia có cơ hội giao lưu với Nhà văn Y Ban, Nhà văn Đỗ Bích Thuý, Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai và dịch giả, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng.

Có hay không sự khác biệt giữa phong cách viết nữ giới và nam giới? Có hay không cách nhìn khác nhau về giới giữa nhà văn nữ và nhà văn nam? Và rất nhiều câu hỏi, rất nhiều ý kiến bàn luận về một chủ đề khá thú vị- bình đẳng giới cũng như quan niệm của nhà văn trong sáng tác được đưa ra tại cuộc toạn đàm “Khi nhà văn bàn về giới”.

Thực ra, câu chuyện văn chương và giới ở Việt Nam được đặt ra từ lâu, đến nay vẫn không ngừng được đọc lại, viết khác và viết tiếp. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng thì ở Việt Nam việc nghiên cứu về giới còn chưa được quan tâm một cách thấu đáo, nhất là xét trong mối quan hệ với văn học. Vấn đề giới trong văn học hoàn toàn không phải một hiện tượng chạy theo trào lưu, mà đã trở thành một vấn đề văn hóa, một tiêu điểm trong văn học Việt Nam đương đại.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người khởi xướng chương trình dự án và là người chịu trách nhiệm lên kịch bản chia sẻ: “Với toạ đàm này, điều tôi cảm thấy tâm đắc có lẽ chính là sự phối hợp ăn ý và bồi đắp rất nhiệt tình của các diễn giả cho chương trình. Tôi vốn thích những trao đổi học thuật và nghệ thuật đan cài, lại thích mọi thứ đa dạng và nhiều góc nhìn, nhiều tiếng nói. Nên bước đầu tiên, khi gọi được lên màu sắc mà mỗi diễn giả biểu trưng, tôi thấy thật hào hứng. Nhà văn Y Ban, đỏ - rực - thắm, nhà văn Đỗ Bích Thuý, xanh - trong - sầu muộn”.

5 diễn giả chính mỗi người đem đến cuộc tọa đàm những góc nhìn đầy màu sắc về giới. Họ vừa tách bạch lại vừa trừu tượng, tôn trọng sự đa dạng trong góc nhìn triết học về giới của mỗi người sáng tác.

“Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đồng thời cũng là người viết, nên anh đem đến lối quan sát nhiều chiều, tôn trọng sự đa dạng của bản dạng giới. Nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai theo đuổi đề tài nữ quyền trong phê bình văn học với nhiều nghiên cứu chuyên sâu, có các bài viết, báo cáo, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế. Vừa sáng tác, vừa nghiên cứu văn học chuyên sâu, nên sự đọc của chị giống một cầu nối đẹp đẽ và bất ngờ giữa lý luận và thực tiễn cảm xúc, giữa nhà văn và công chúng” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định.

Nhà văn Y Ban cho rằng, mỗi người viết có cách nhìn, cách giải quyết vấn đề khác nhau ở mỗi tình huống cụ thể. Nhưng, dù đề cập đến bất kỳ khía cạnh nào trong các vấn đề về giới thì bức thông điệp chung vẫn là khát vọng hướng đến một xã hội bình đẳng giới, mà người viết nói riêng, nền văn học nói chung cần là lá cờ tiên phong

Cuộc tọa đàm đã mở ra nhiều cánh cửa thú vị, cho thấy tầm quan trọng của nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng trong việc thay đổi hoặc nâng cao nhận thức của con người với các vấn đề thiết thân. Mà GIỚI, bình đẳng giới, phê bình nữ quyền trong văn học chỉ là một phần nhỏ trong cả tiến trình vận động rất lớn kéo dài hàng chục năm, nhằm hướng tới sự bình quyền nam nữ thực sự. Đặt lòng tin vào sức mạnh thay đổi thế giới của nghệ thuật, lắng nghe và ủng hộ nghệ sĩ - nhà văn - dịch giả - người nghiên cứu để họ tiếp tục "cấy trồng" trên cánh đồng sáng tạo.

Và điều quan trọng hơn cả, bức thông điệp lớn nhất được truyền tải, đó là: Độc giả sẽ nhận về lợi tức tinh thần từ những mùa màng bội thu đó.