Không chỉ là một bậc nhất công thần phục dựng triều Lê Trung hưng, An thanh hầu Nguyễn Kim còn được coi là vị triệu tổ của nhà Nguyễn, khởi nguồn cho sự phát tích vương hệ Nguyễn Phúc (Nguyễn Phước) tộc.

Cuối tháng 6 vừa qua, dòng họ Nguyễn Phước ở thành phố Huế đã tổ chức một cuộc tọa đàm về Triệu Tổ Nguyễn Kim với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu lịch sử. Theo tư liệu từ cuộc tọa đàm này và theo các nguồn sử liệu, Nguyễn Kim sinh năm 1468 trong một dòng họ có truyền thống ở làng Bái Trang, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa, cũng chính là quê hương phát tích của dòng họ Nguyễn danh giá là Gia Miêu Ngoại Trang, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Theo sách “Đại Nam thực lục” (bộ sử do nhà Nguyễn soạn), tổ tiên họ Nguyễn là một họ có danh vọng ở xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Cha của Nguyễn Kim là Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu. Nguyễn Kim là con trưởng, làm quan dưới triều Lê, chức Hữu vệ điện tiền tướng quân, tước An Thanh hầu.

Nhà Lê từ thời Lê Tương Dực bắt đầu suy yếu, nội bộ triều đình chia bè kết phái đấu đá lẫn nhau, một số tướng lĩnh tách mình khỏi sự ràng buộc. Bên ngoài, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng nổ ra liên tiếp khiến triều đình lung lay. Lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung là một võ tướng nhà Lê đã đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy bên ngoài, nhân cơ hội đó nắm luôn quyền hành triều Lê.

Năm 1527 sau khi vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng bị phế truất, Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Sau khi nhà Lê sơ sụp đổ, một số bộ phận quan lại bỏ về quê hương sống cuộc đời ẩn dật, số khác "theo thời thế" ngả sang nhà Mạc và tiếp tục tiến thân, một số trung thần vì uất hận tìm đến cái chết để vẹn tròn chữ "Trung". Riêng tướng Nguyễn Kim, không chấp nhận thời cuộc đã định, ông đưa người thân tín bên mình đồng thời triệu tập hào kiệt bốn phương cùng chung chí hướng lánh lên vùng đất Thanh Hoa giáp Ai Lao.

PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhiều mâu thuẫn trong nội đình triều Lê hình thành, Nguyễn Kim đã bỏ kinh thành đến vùng đất Thuận Châu, phía Tây Thanh Hoa, giáp với Ai Lao (vùng Thanh Hóa- Nghệ An ngày nay), hình thành lực lượng mới chống lại vương triều Mạc Đăng Dung. Nguyễn Kim đã tìm ra được một người con trai của vua Lê Chiêu Tông tôn lên làm vua, là vị vua đầu tiên thời Lê Trung hưng kế tiếp triều Lê Sơ”.

Trải qua quá trình xây dựng lực lượng, đến năm 1533, An Thanh hầu Nguyễn Kim, cùng với đồng sự dựng người con rốt của vua Lê Chiêu Tông tên Lê Duy Ninh lên làm vua Lê Trang Tông, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Tại sao Triệu Tổ Nguyễn Kim tập hợp được lực lượng, có thực quyền nhưng vẫn không xưng vương mà lại chọn hậu duệ nhà Lê để dựng nghiệp? PGS.TS Đỗ Bang phân tích:

Sở dĩ ngài Nguyễn Kim tìm chọn hậu duệ nhà Lê và lập lên vua mới cho triều đại Lê Trung hưng là hoàn toàn chính đáng theo quan điểm lúc bấy giờ. Nguyễn Kim xác định họ Nguyễn mà đối đầu với họ Mạc là không thể hình thành và quy tụ lực lượng được vì không hợp với lòng dân mà chỉ có con cháu nhà Lê đại diện cho vương triều mới có danh nghĩa đối đầu với tư cách là quốc gia”.

Năm 1543, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh đều đã qua đời, Mạc Phúc Hải lên ngôi vua. Vua Lê Trang Tông thân chinh đánh Mạc Phúc Hải, lấy được Tây Đô, củng cố vị thế và bắt đầu triều đại Lê Trung hưng với sự phò trợ đắc lực của Nguyễn Kim. Lê Trang Tông gia thăng Nguyễn Kim làm Thái tể, sai làm Đô tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh, chia đường cùng tiến, bình định vùng Tây Nam. Sử gia Lê Quý Đôn nhận định trong sách Đại Việt thông sử: “Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lật đật nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm. Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây. Như thế chả phải là người bầy tôi xã tắc đó ư?”.

Sự nghiệp của ngài Nguyễn Kim không dài lắm. Nhưng nếu nhìn về mặt lịch sử thì đây là nhân vật quan trọng, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của chúng ta, đúng như sau này các sử gia đánh giá ngài là “đệ nhất khai quốc công thần” của triều đại Lê Trung hưng, ổn định về thế thái nhân tình, ổn định về nhân tâm bởi khi nhà Mạc lên ngôi đã gây tâm lý xáo trộn trong nhân dân lúc bấy giờ. Phục hưng được nhà Lê tạo ra sự ổn định về tâm lý chính trị cho xã hội” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định.

Không chỉ là bậc nhất công thần khai quốc đối với thời Lê Trung hưng, tạo dựng lên một thời đại hùng mạnh kéo dài hơn 200 năm. Với dòng tộc, Nguyễn Kim được coi là vị Triệu Tổ, tức là người có công khởi tạo nên thời kỳ bắt đầu của một dòng họ vương triều sau này với 9 đời chúa, 13 đời vua Nguyễn. Chính vì thế Nguyễn Kim được phong là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế dù không phải là vua.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Có thể nói ngài Nguyễn Kim được xem là người mở đầu của vương hệ. Nhưng người ta không gọi là Thủy Tổ (bởi Thủy Tổ họ Nguyễn được xác định là Nguyễn Bặc, vị tể tướng có công lập vua Đinh Tiên Hoàng) mà gọi là Triệu Tổ, là vị mở đầu cho sự khai sáng vương triều các chúa Nguyễn sau này”.

Là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, một vị quân sư đắc lực góp phần quan trọng vào việc hoàn thành sứ mệnh "phù Lê diệt Mạc" nổi tiếng trong chính sử, thế nhưng Nguyễn Kim lại có một kết cục đầy oan khuất. Theo Đại Nam thực lục cho biết: "...Ngày Tân Tỵ, tháng Năm, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị một hàng tướng Mạc đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi”.

Sau khi Nguyễn Kim mất, vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc, truy tặng ông là Chiêu huân tinh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quân đem về quê ở Tống Sơn mai táng trên núi Thiên Tôn. Xung quanh việc hóa về trời của đức Triệu Tổ Nguyễn Kim có rất nhiều huyền thoại. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế những giai thoại này chứa đựng nhiều ý nghĩa: “Câu chuyện sử cũ chép lại rằng, vào ngày an táng Nguyễn Kim, trời bỗng nổi mưa giông lớn, mọi người đều phải tìm nơi trú ẩn, nhưng sau khi trời quang mây tạnh quay trở lại huyệt mộ thì quan tài đã được chôn sâu vào lòng đât và cây cối mọc um tùm xung quanh không thấy dấu hiệu huyệt mộ. Truyền thuyết có ý nghĩa cả núi Thiên Tôn là lăng mộ và cũng là một cách để giấu đi tung tích lăng mộ của ngài, tránh các thế lực kẻ thù càn quấy lăng mộ bởi ông là một vị tướng, là công thần nhà Lê ắt cũng có nhiều kẻ thù là thân thích nhà Mạc”.

Năm 1803 vua Gia Long cho xây gần núi Thiên Tôn một ngôi miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng. Miếu được đặt tên là Nguyên miếu (sau còn gọi là miếu Triệu Tường). Cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công là thân phụ của Nguyễn Kim. Năm 1808, vua Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên, lăng này không có dấu vết rõ ràng nên chỉ xây nên một nền vuông để bái yết và cúng tế.

Hiện nay theo TS Phan Thanh Hải cho biết, các khu di tích này đều đã được trùng tu nhiều lần, khang trang và nghiêm cẩn. “Việc nhà nước chú trọng đầu tư trùng tu những khu di tích này chứng tỏ sự đánh giá cao những công trạng và đóng góp của ngài Nguyễn Kim cũng như thể hiện cái nhìn về vương triều Nguyễn. Về mặt di sản chúng ta cũng thấy đó là những di sản cần được bảo tồn và phát huy".

Không chỉ là một bậc nhất công thần, có công khởi dựng triều Lê Trung hưng, Nguyễn Kim còn sinh ra những người con xuất chúng. Trong đó đầu tiên phải kể đến là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vị minh chúa mở đầu vương hệ Nguyễn tộc, với 9 đời chúa và tiếp theo đó là 13 đời vua, nối tiếp chặng đường lịch sử, xây dựng và để lại những di sản đặc biệt cho dân tộc.

Mời nghe âm thanh dưới đây: