Cách đây tròn 50 năm, vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng này không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại.
Với Trung úy Vũ Đăng Toàn, chỉ huy xe tăng 390, khi cùng các đồng đội là Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1), Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) và Trung sỹ Nguyễn Văn Tập (lái xe) húc đổ cánh cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975 là ký ức không thể nào phai trong cuộc đời.
"Như sự việc mới xảy ra, khi đến gần cổng Dinh Độc lập rồi thì xe anh Thận đi đường chính diện, còn chúng tôi đi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trước cửa Dinh Độc lập. Hai xe gần như giao nhau cùng một lúc. Khi xe anh Thận tiếp cận cổng phụ bên trái và xe tôi vừa lao tới thì đồng chí Tập hỏi: Thế nào anh? Tôi ra lệnh tông thẳng vào bởi vì bây giờ thời cơ đã đến và đến hang ổ cuối cùng rồi thì bất chấp giá nào mình cũng phải xông lên không chần chừ. Lập tức lái xe chuyển hướng sang bên phải, chính diện cổng và tăng ga, xe húc tung cánh cổng chính ra và lao vào. Rất may mắn lịch sử ưu ái mình chứng kiến mốc son lịch sử đó, tôi tự hào hoàn thành nhiệm vụ trên giao cho vì mình đã đổ quá nhiều máu, đồng bào hy sinh quá nhiều".

Chiếc xe tăng không chỉ húc đổ cổng dinh Độc Lập - trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Ngụy Sài Gòn, mà còn đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, khẳng định chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng để tiến vào được Dinh Độc lập, rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 xe tăng 390 nhớ lại.
"Đêm 29/4 lữ đoàn xe tăng có gần 100 xe và thiết giáp đi trong đêm, làm mũi dao nhọn chọc vào tim quân thù, nghĩa là Dinh Độc lập. Thế là đi trong đêm mà mục tiêu phía trước chưa được chính xác, nhưng mình có vỏ thép dày, có súng to, đạn lớn, có sức cơ động, có lòng dũng cảm. Xe này cháy xe kia vượt lên, đồng chí này hy sinh đồng chí khác thay và cứ thế chúng tôi tiến qua cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, qua Thủ Đức và đến đầu cầu Sài Gòn thì ác liệt lắm. Tôi nhìn vào kính ngắm thì thấy đằng trước sao mà nhiều xe cháy như thế thì hóa ra bên kia người ta bắn mình ác liệt lắm, tôi nhớ đồng chí Ngô Quang Nhỡ đứng lên thò người ra để chỉ huy là hy sinh ngay".
Sau khi húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhanh chóng nhảy khỏi xe tăng 843 cầm cờ chạy lên nóc Dinh dưới sự yểm trợ của xe tăng 390 và các đồng đội. Lá cờ của chính quyền Sài Gòn bị hạ xuống và kéo cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cách đây 50 năm, khi còn là phóng viên ảnh hãng thông tấn AP tại Sài Gòn đầy nhiệt huyết, nhà báo Kỳ Nhân đã đến Đài Phát thanh Sài Gòn, nay là Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố HCM trưa ngày 30/4/1975. Bức ảnh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài phát thanh và nhiều bức ảnh ấn tượng khác về ngày 30/4/1975 đều do ông chụp.
50 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn, trong đó có TS lịch sử Nguyễn Nhã thì buổi phát thanh đặc biệt được thực hiện trực tiếp tại Đài phát thanh Sài Gòn vào buổi trưa ngày 30/4/1975 sẽ không bao giờ phai. Ông là người đã ghi lại được lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh ngày hôm đó. Sau rất nhiều năm kể từ ngày 30/4/1975, ông vẫn lưu giữ cuốn băng cassette và thỉnh thoảng mở ra nghe lại.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, đối với mỗi người con đất Việt thì lịch sử ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Ngày 30/4/1975 ấy mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà, nước Việt Nam anh hùng bất khuất vẫn giữ vững màu cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời xanh hòa bình và độc lập.