Năm nay, hội làng Ước Lễ được tổ chức trọng thể vào ngày 11 và 12/3 âm lịch (tức ngày 8 và 9/4/2025) với nhiều hoạt động phong phú, mới mẻ cùng các không gian chợ quê và trải nghiệm văn hóa.
Ước Lễ là một làng cổ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Nam, được biết đến với nghề truyền thống làm giò, chả nổi tiếng khắp cả nước.
Theo lời kể của các nghệ nhân giò chả ở thôn Ước Lễ, thương hiệu này đã có cách đây hơn 500 năm. Sử sách trong làng còn ghi lại, vào thời nhà Mạc (1527 - 1592) có một người trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ đã về xây cổng làng và dạy cho nhân dân nghề giò chả.
Ông Nguyễn Viết Tường, trưởng thôn Ước Lễ cho biết, lễ hội truyền thống làng Ước Lễ năm nay có nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phần lễ sẽ thực hiện các nghi lễ dâng Thánh, rước kiệu Thánh từ đình làng đến nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Sau phần lễ sẽ là phần hội với chương trình ca nhạc đặc sắc, các nghệ sĩ biểu diễn những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước.
Đặc biệt, tại lễ hội truyền thống làng Ước Lễ, bà con cùng du khách còn được trải nghiệm thú vị khi trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân, thợ nghề làm giò chả bằng cối giã tay, đắp ống chả quế 100kg để dâng cúng Thành Hoàng làng cùng anh linh các anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu không gian văn hóa làng nghề giò, chả Ước Lễ; giới thiệu sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực giò, chả Ước Lễ.

Giò, chả Ước Lễ đã đi vào đời sống văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Tuy có một giai đoạn do điều kiện xã hội, nghề gặp khó khăn, nhưng nhiều người con của làng Ước Lễ vẫn bám trụ với nghề. Sau này, người làng Ước Lễ tản cư đi khắp 3 miền đất nước mưu sinh, mở rộng nghề ông cha. Ông Nguyễn Văn Mùi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Ước Lễ cho biết, hiện nay phải hơn 90% người dân trong làng làm nghề.
Thời Pháp thuộc, giò chả Ước Lễ đã nổi tiếng với nhà hàng Tân Việt ở Hà Nội, Tân Lợi ở Hà Đông. Vào năm 1958, thương hiệu Tuyên Thành cũng của người làng Ước Lễ xuất khẩu giò sang Pháp. Hiện nay, có nhiều cơ sở nổi tiếng xuất xứ từ làng Ước Lễ như Hương Sơn, Phúc Lộc, Ưng Vi, Hương Lan, Đức Bình, Trần Công Châu, Dũng Mai… Hơn thế, nhiều người làng Ước Lễ còn sang Mỹ, Pháp sống bằng nghề này.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, người đã hơn 40 năm nay mang giò, chả Ước Lễ vươn ra thị trường, sự khác biệt của làng nghề giò, chả Ước Lễ chính là không có một công thức chung nào trong gia vị chế biến. Mỗi nhà có những nét riêng, những sáng tạo riêng không thể lẫn vào đâu. Nhưng yếu tố quan trọng mà tất cả các gia đình, thế hệ làm giò, chả Ước Lễ đều kỳ công lựa chọn là nguyên liệu thịt ngon, nước mắm ngon. Tất cả những yếu tố đó cộng lại tạo nên nét riêng có trong văn hóa ẩm thực của giò, chả Ước Lễ làm siêu lòng thực khách khó tính.

“Lễ hội truyền thống làng Ước Lễ là dịp để con cháu Ước Lễ đi làm ăn xa tụ hội về làng gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau thêm ý thức trách nhiệm nghiêm cẩn hơn trong làm nghề. Hội làng là dịp để mỗi người Ước Lễ nhân lên tình yêu nghề, quảng bá để nghề giò, chả Ước Lễ giữ vững thương hiệu và tiếp tục phát triển, lan tỏa những nét tinh hoa văn hóa ẩm thực của Việt Nam” - Nghệ nhân Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Ngày nay sản phẩm của làng Ước Lễ phát triển rất đa dạng, phong phú: từ giò lụa, giò bò, giò xào, giò bì, đến chả quế, chả rán, nem chua… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa và chả quế. Trong mâm cỗ của người Việt Nam, nhất là mâm cỗ trong dịp lễ, tết bao giờ cũng có món giò, chả. Biết ơn nghề, những người dân của làng Ước Lễ tỏa đi bốn phương trời để mưu sinh, lập nghiệp, cha truyền con nối để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của ông cha.

Về Ước Lễ hôm nay, du khách không chỉ được thưởng thức những sản phẩm ẩm thực đặc sắc, bổ dưỡng mà còn được chiêm ngưỡng nét cổ kính của cổng làng với cây cầu bắc qua, những công trình kiến trúc nghệ thuật như Đình Làng Ước lễ, chùa Sổ (hay còn gọi là Hội Linh quán), chùa Sùng Phúc, Chùa Hậu, nhà thờ Ước Lễ hay chợ cổ làng Ước Lễ và những ngôi nhà cổ tạo nên bản sắc văn hóa của một ngôi làng cổ mang những nét đặc trưng đồng bằng Sông Hồng.
