Bộ Y tế mới đây đã ban hành văn bản hướng dẫn định hướng sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Vậy bệnh viện, trạm y tế có bị "sáp nhập"?

Sẽ có sở Y tế mới sau sáp nhập

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, sẽ thành lập một sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh mới trên cơ sở hợp nhất các Sở Y tế hiện có của các tỉnh, thành phố cũ.

Trên cơ sở đó, giám đốc Sở Y tế mới có trách nhiệm rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trước khi sắp xếp. Từ đó tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định giữ nguyên, giải thể hoặc sắp xếp lại (sáp nhập, chia tách, đổi tên, điều chỉnh chức năng) các đơn vị sự nghiệp y tế.

Bệnh viện cơ bản được giữ nguyên

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh hiện có – bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh viện khu vực – cơ bản được giữ nguyên. Điều này nhằm bảo đảm không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu và phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại địa phương.

Tương tự, các bệnh viện đa khoa cấp huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có cũng được duy trì, đồng thời chuyển đổi tên gọi thành “bệnh viện đa khoa khu vực”, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp.

Mục tiêu của việc chuyển đổi này là tổ chức hệ thống bệnh viện theo hướng phục vụ liên xã, liên phường, không phụ thuộc vào địa giới hành chính cũ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phù hợp với điều kiện thực tế sau sáp nhập.

Trung tâm y tế, phòng y tế cấp huyện: Tái cơ cấu mạnh

Nếu các bệnh viện vẫn duy trì, thì hệ thống y tế tuyến quận/huyện lại có nhiều thay đổi. Cụ thể, các Phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã sẽ giải thể, chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ về Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm hành chính công thuộc UBND cấp xã/phường sau sắp xếp.

Các Trung tâm Y tế cấp huyện, quận, thị xã hiện có sẽ được tái tổ chức thành Trung tâm Y tế khu vực, trực thuộc Sở Y tế cấp tỉnh/thành phố mới. Trung tâm này tiếp tục đảm nhiệm công tác chuyên môn, đồng thời hỗ trợ trạm y tế xã về nhân lực, thuốc men, vật tư y tế…

Không để gián đoạn dịch vụ y tế

Bộ Y tế khẳng định nguyên tắc xuyên suốt của quá trình tái cơ cấu hệ thống y tế trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính là không làm gián đoạn dịch vụ y tế cơ bản, đảm bảo hiệu lực – hiệu quả trong quản lý nhà nước và hoạt động của các cơ sở y tế công lập.

UBND các tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn này và điều kiện thực tiễn để triển khai, đồng thời chủ động phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh về Bộ Y tế để kịp thời phối hợp xử lý.

Sáp nhập các trung tâm cùng chức năng

Đối với các đơn vị sự nghiệp khác như Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm… – Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế xây dựng đề án sáp nhập các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ giống nhau để tránh chồng chéo và tăng hiệu quả hoạt động. Mỗi trung tâm mới có thể có nhiều cơ sở, nhưng cần phân định rõ phạm vi, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp.

Trạm y tế xã, phường vẫn giữ nguyên

Đối với tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế yêu cầu duy trì các trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện có. Sau sáp nhập, mỗi xã/phường mới vẫn phải có ít nhất 01 Trạm Y tế, do UBND cấp xã/phường quản lý. Tùy quy mô dân số và điều kiện địa lý, có thể thành lập thêm các Trạm Y tế để bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Nhân lực tại các trạm y tế xã/phường mới sẽ được bố trí từ lực lượng hiện có, đồng thời điều động, bổ sung thêm từ trung tâm y tế quận/huyện và các cơ sở y tế cấp tỉnh. Mỗi trạm y tế mới phải có tối thiểu 2 bác sĩ.

Bộ Y tế cũng cho biết sẽ ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 33/2015/TT-BYT, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu nhân lực của Trạm Y tế xã, phường sau sắp xếp.