Hôm nay (06/09), trên mảnh đất Cố đô lịch sử, ngàn năm văn hiến, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bái Đính, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững."
Đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Công ước 1972 là công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Trong 50 năm qua, công ước đã và đang ngày càng phát triển, hoàn thiện và chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị toàn cầu, đúng như tinh thần mà UNESCO xác định “Là những gì chúng ta kế thừa từ quá khứ, những gì đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta và là những gì chúng ta truyền lại cho thế hệ mai sau.”
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, với vai trò là “tổ chức trí tuệ,” “phòng thí nghiệm các ý tưởng,” UNESCO đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho Việt Nam không chỉ về tri thức, nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực để phát triển và xây dựng đất nước, mà còn có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá các di sản thế giới tại Việt Nam đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
“Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao” - ông Hùng nói.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 tại Việt Nam sẽ góp phần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của nước ta cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này.
Trong 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thường xuyên và là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.
Buổi lễ cũng sẽ đóng góp vào việc quảng bá thành tựu của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản thế giới tới các nước thành viên UNESCO, đông đảo cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta ứng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO trong thời gian tới.
Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đến năm 2020, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước từ ngày 19/10/1987, và đến nay đã có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh.