Tại họp báo thường kỳ tháng 7 mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến về số lượng. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Không những thế, các hình thức chiêu trò lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, giả mạo giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện đang có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Đặc biệt, các nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến không chỉ tập trung ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Đây là những nhóm tội phạm có tổ chức và điều đáng lưu ý là có rất nhiều người Việt Nam tham gia vào các tổ chức này.

Có thể nói người dùng mạng xã hội đang bị “bủa vây” trước muôn kiểu chiêu trò lừa đảo. Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Thứ nhất là những kẻ xấu đã lợi dụng sự ưu việt của công nghệ để tạo lòng tin, các hành vi online có cảm giác vô can hơn hành động thực địa. Bên cạnh đó những quy định, hành lang pháp lý về quản lý không gian mạng xã hội của chúng ta chưa bắt kịp với thực tế và còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục phải hoàn thiện. Ngoài ra, sở dĩ tình trạng lừa đảo trực tuyến ở nước ta gia tăng cũng có một phần nguyên nhân từ phía người dùng MXH chưa thực sự ý thức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên môi trường số vốn đã rất khó tự vệ".

Mỗi ngày trên môi trường số, các không gian mạng vẫn diễn ra nhan nhản các vụ lừa đảo và số nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên. Nhiều người bỗng dưng bị biến mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Không chỉ làm thiệt hại về tiền bạc, lừa đảo trực tuyến còn gây các hệ lụy về tinh thần, về sự bất ổn trong cuộc sống và những nguy hại khó đo lường được.

Dù khó nhận diện, song theo ông Vũ Hoàng Liên, nếu để ý người dùng MXH cũng có thể nhận biết: “Dù đối tượng đã giả mạo nhưng chúng ta có thể nhận thấy có những sự khác thường, khác thường về đối tượng tiếp xúc, về giá trị trao đổi và về sự việc liên quan. Cùng với đó là sự dẫn dắt lòng vòng và yêu cầu những hành vi không thích hợp”- Ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.

Để giúp tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến", triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7. Cùng với đó, bộ "Cẩm nang Kiến thức Phòng tránh để Bảo vệ Bản thân và Gia đình trên Không gian mạng" cũng được phát hành. Theo đó, người dân được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nhận biết cùng cách phòng tránh của 24 hình thức lừa đảo phổ biến tại Việt Nam.

24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến:

Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…

Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)

Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

Lừa đảo tuyển CTV online.

Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.

Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.

Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.

Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

Lừa đảo cho số đánh đề.

Cuộc đấu tranh phòng chống lừa đảo trực tuyến là một công cuộc cam go. Theo các chuyên gia chúng ta cần thêm rất nhiều “bộ lọc” trên không gian mạng. “Hoàn thiện hành lang pháp lý là điều cần thiết, tăng cường quản lý nhưng phải linh hoạt. Pháp luật luôn phải hoàn thiện cả góc độ ban hành và thực thi. Đặc biệt vấn đề thực thi pháp luật cần được chú trọng hơn. Thêm nữa là sự phối hợp hành động của cơ quan quản lý, của các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và của người dùng. Cùng với đó là các giải pháp về công nghệ để hỗ trợ phát hiện hành vi khả nghi và đánh giá độ tin cậy cả về đối tượng và hành vi” – Ông Vũ Hoàng Liên nhận định.

Ông Vũ Hoàng Liên lưu ý về phía người dùng mạng xã hội khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo cần chia sẻ thông tin trong giới hạn cần thiết, tự cập nhật thông tin, học hỏi kỹ năng sử dụng công nghệ để không lạc hậu với thời cuộc, luôn tìm cách xác minh độ tin cậy của đối tượng, bản chất trao đổi giá trị. Và đặc biệt cần tích cực tương tác với các đường dây nóng vì hiện nay tại Việt Nam có nhiều kênh nhận phản ánh và hỗ trợ.

Làm được như vậy, người dùng MXH không chỉ phòng tránh được cho mình không bị "sập bẫy" lừa đảo mà còn cảnh báo được cho những người khác. Không “ngó lơ” các dấu hiệu lừa đảo là chúng ta đã góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, văn minh.

Mời nghe âm thanh tại đây: