Không gian mạng hiện nay là môi trường nhiều người yêu thích. Thế nhưng, ở đó đang bị “ô nhiễm” bởi nhiều lời nói, hình ảnh, hành vi không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục, từ bêu riếu, xúc phạm, mạt sát nhau, cho đến lừa đảo, trục lợi... Mà chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là với các em nhỏ vẫn còn non nớt trong nhận thức và hầu như chưa có khả năng để kiểm soát cũng như ứng phó với các thông tin xấu, độc trên mạng.

Rác trên mạng còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác như nhạc chế nhảm nhí, phim bạo lực rẻ tiền, phim hài, clip nhạt nhẽo vỡi những hình ảnh hở hang, nói tục để câu khách, hay bằng cách livestream đấu tố lẫn nhau. Điều này vô hình chung trở thành một trào lưu khi có sự tham gia không chỉ những người trẻ mà còn có rất nhiều người thuộc các lứa tuổi, đối tượng khác nhau.

Đáng buồn hơn, góp mặt tạo ra thứ "rác văn hóa" này có những người được công chúng quen mặt biết tên và có sự ảnh hưởng nhất định (nghệ sĩ, người của công chúng). Lẽ ra với sự ảnh hưởng của mình, họ phải cùng chung tay dẹp bỏ rác văn hóa trên môi trường mạng. Nhưng tiếc thay trong số đó có những người đã bán rẻ niềm tin của công chúng và danh tiếng của mình để tiếp tay cho thứ rác này ngày một sinh sôi nảy nở.

Theo TS Phạm Hải Chung, Viện Báo chí và truyền thông, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi internet phát triển quá nhanh, thông tin ngập tràn, thì người dùng thiếu kỹ năng, năng lực số để họ có trách nhiệm với những nội dung mình phát ra, ứng xử với thông tin thậm chí còn nghĩ tới những hậu quả của thông tin đó. Bên cạnh đó còn thiếu kỹ năng về phân biệt thông tin và cách hành xử văn minh trên môi trường mạng.

Thực tế là thông tin mang tính giáo dục thường khiến người xem cảm thấy nhàm chán, giáo điều, không hấp dẫn bằng những nội dung được cho là độc, lạ. Cách thức của những thông tin rác này là đưa vào những nội dung giật gân, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, nội dung sai sự thật hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hoá, gây sốc để tạo sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Và những gì càng giật gân, càng lố lăng, nhảm nhí lại càng được người dùng mạng phát tán rộng rãi với tốc độ chóng mặt.

"Nếu nhìn tác hại về lâu dài thì chắc chắn “rác văn hóa trên mạng xã hội” sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng mạng. Chúng ta hành xử thế nào trên internet thì nó cũng giống như ta hành xử ở nơi công cộng. Và nếu như thông tin này được phát tán rộng rãi lâu dài, nó sẽ trở thành trào lưu tác động đến nhận thức của người dùng", TS Phạm Hải Chung khẳng định.

Thời gian qua, hàng loạt chủ nhân của các kênh Youtube có nội dung phản văn hóa, phản giáo dục như Hoàng Anh Timmy tại TP.HCM, Hưng troll tại Bắc Giang, Thơ Nguyễn tại Bình Dương… đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Thế nhưng ngay sau đó, không ít cá nhân lại tìm cách mở kênh mới. Tình trạng tin giả, tin rác, vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng. Bởi vậy, ngoài những chế tài quản lý của pháp luật, điều cần thiết là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội không cổ súy, không theo dõi và không chia sẻ những livestream, clip có nội dung xấu, độc.

Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng cũng không nên thờ ơ, bàng quan với vấn nạn "rác văn hóa" đang hàng giờ, hàng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, nhận thức của lớp trẻ nói riêng và của mỗi chúng ta nói chung. Nếu như người dùng mạng xã hội đứng ngoài cuộc thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả. Do đó, chung tay làm sạch rác văn hóa trên mạng xã hội để tránh hệ lụy khôn lường tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm không của riêng ai.

Mời nghe âm thanh tại đây: