Du lịch là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Từ một ngành tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng vào GDP cả nước, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho ngành Du lịch tê liệt.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Chúng ta từng có hơn 40 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng hiện nay, 30% trong số các doanh nghiệp đã đóng cửa, 30% khác có sự chuyển đổi và chỉ còn 5-10% doanh nghiệp du lịch còn có những hoạt động. Du lịch hoàn toàn tiêu điều và có thể đã lùi lại 10-20 năm. Điều lo ngại nhất là lực lượng lao động trong lĩnh vực này phần lớn đều đã nghỉ việc (ước khoảng 90%), chỉ có một số doanh nghiệp giữ lại lực lượng nòng cốt dù không làm việc.
Thời điểm này, dịch bệnh tại nước ta đang từng bước được kiểm soát, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với điều kiện bình thường mới. Vì thế, việc khôi phục du lịch được xem là một trong những yêu cầu cấp bách - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Tuy nhiên, việc tái khởi động du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương nên các chuyến du lịch nội địa ngoài tỉnh vẫn còn những rào cản nhất định và chưa có sự nhất quán, thông suốt. Chẳng hạn, các vùng trọng điểm du lịch như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Đà Nẵng… vẫn có những quy định kiểm soát đi lại khác nhau, gây khó khăn cho du khách. Về điều này, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu thực tế: "Tôi đi công tác ở Quảng Ninh, nhưng để đến được Quảng Ninh rất khó khăn, ra khỏi Hà Nội tôi phải khai báo y tế, đến địa phận Hải Phòng tôi khai báo bằng ứng dụng sức khỏe điện tử, nhưng đến Quảng Ninh lại phải khai bằng một mẫu khác. Đấy là điều minh chứng cho sự không nhất quán về giấy tờ thủ tục, trong khi Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rất rõ điều này, nên tôi nghĩ các địa phương cần phải họp bàn để thống nhất các thủ tục thì việc đi lại mới có thể thông suốt được".
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam cho rằng, về mặt an toàn, chỉ cần Nghị quyết 128 và Hướng dẫn số 4800 của Bộ Y tế. Về bộ tiêu chí, quy trình, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo du lịch an toàn không phải chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên, đối với ngành Du lịch, có tiêu chí rất quan trọng bởi đây cũng là nhu cầu của du khách, rất cần bộ chuyên ngành tư vấn, hướng dẫn cho địa phương. "Trải qua 2 năm dịch bệnh, hiện khách đến với mình cần cái gì, nhu cầu thay đổi thế nào, những sản phẩm mà mình dự kiến đưa ra có còn phù hợp hay không, dịch vụ gì là dịch vụ thiết yếu… là trách nhiệm cố vấn chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", PGS.TS Phạm Trung Lương nêu quan điểm.
Có thể thấy, việc mở lại hoạt động du lịch sau thời gian dài “đóng băng” không hề đơn giản, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng là một bài toán. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của doanh nghiệp chính là việc “mở ra không quản trị được lại đóng lại”. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp hụt hơi mà còn ảnh hưởng đến tâm lý du lịch của người dân.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, kế hoạch phục hồi du lịch nước nhà cần tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng, thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. Khách nội địa khi đi du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác. "Việc mở cửa thị trường quốc tế có thể chúng ta làm chậm hơn một chút nhưng phải đảm bảo an toàn và phải lựa chọn thị trường nguồn khách thật thận trọng. Hiện nay, du lịch an toàn đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của ngành".
Còn rất nhiều việc phải làm để có thể mở cửa thị trường du lịch trở lại một cách an toàn, và khách nội địa vẫn là niềm hy vọng lớn cho doanh nghiệp du lịch hiện nay.