“Ngày hội kết đoàn 2022” được tổ chức với mục đích giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Điểm nhấn đầu tiên là các hoạt động được tổ chức theo cụm làng dân tộc nhằm tôn vinh sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Theo đó, ở mỗi làng đồng bào sẽ tổ chức một không gian riêng giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống…
Cụ thể, tại Thung lũng hoa cải vàng sẽ có các hoạt động gắn với không gian văn hóa của đồng bào Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Hà Nội). Trong không gian này, du khách sẽ được thưởng thức những nét văn hóa đặc trưng như đàn Tính, hát Then của các dân tộc Tày, Nùng; múa khèn của dân tộc Mông; hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian có sự tương tác như kéo co, ném còn, đi cà kheo, bập bênh...
Tại Cánh đồng hoa tam giác mạch, với thế mạnh của làng dân tộc Mường, Thái có các hoạt động trình diễn chiêng Mường, xòe Thái, giới thiệu ẩm thực mang nét đặc trưng riêng, với các nguyên liệu tự nhiên, đặc sắc như xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...
Tại làng Tây Nguyên, công chúng và du khách được thưởng thức phần trình diễn đậm sắc màu văn hóa của vùng đất nắng gió. Tại các làng Nam Bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh diễn ra hoạt động trình diễn của đồng bào dân tộc Khmer (Sóc Trăng), Chăm (Ninh Thuận) với các nét di sản văn hóa nghệ thuật Rô băm; điệu múa đền tháp...; giới thiệu trang phục truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực Tây Nam Bộ kết hợp với tín ngưỡng ở chùa Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.
Đặc biệt, trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2022” từ ngày 14 đến 23/11, đồng bào các dân tộc sẽ tiến hành nhiều hoạt động đa dạng. Đó là tái hiện lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; giới thiệu Nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội cầu ngư của tỉnh Phú Yên; giới thiệu sắc màu văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang; nghi lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Gia Rai, tỉnh Gai Lai… Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại làng sẽ thực hiện Ngày hội văn hóa các dân tộc các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ…
Thông qua hoạt động, Ban tổ chức mong muốn công chúng hiểu hơn về văn hóa các dân tộc, tạo sự gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách; giới thiệu, quảng bá nét văn hóa dân tộc địa phương để từ đó nhân lên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.