Hiện nay, một số người hoạt động nghệ thuật (hay còn gọi là giới showbiz) thường xuyên có những hành động, phát ngôn trái với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán của dân tộc. Đặc biệt là một số văn nghệ sĩ, người nổi tiếng còn có các hành vi vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng như công khai xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cổ vũ, khuyến khích những việc làm không hay, nguy hiểm cho xã hội hoặc quảng cáo sai sự thật… Và như vậy, hệ lụy tiêu cực từ những hành vi “lệch chuẩn” của nghệ sĩ gây ra cho xã hội vì thế cứ tiếp diễn. Không ít các nghệ sĩ bất chấp dư luận để nhanh chóng quay trở lại biểu diễn sau những vi phạm đạo đức của mình. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng do họ chưa có nhận thức đầy đủ về những tác hại hay những bất lợi khi có những chia sẻ, những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Trên thực tế, thị trường giải trí chính là một thị trường sôi động và cạnh tranh gay gắt, chính vì thế, dẫn đến câu chuyện một số nghệ sĩ có những hành vi tạo ra tên tuổi hay nói cách khác là xây dựng thương hiệu cho chính mình.

Bộ VH-TT&DL đã có bộ quy tắc ứng xử đối với các nghệ sĩ; Bộ Thông tin truyền thông cũng có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và nhà nước cũng có nhiều biện pháp khác nhau để chấn chính hoạt động của các nghệ sĩ. Về mặt luật pháp, dù chưa có Luật nghệ thuật biểu diễn nhưng đã có Nghị định 144 hay Nghị định 38 xử lý những sai phạm trong nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn thì dường như những sai phạm của các nghệ sĩ không thuyên giảm và cần phải nghĩ đến biện pháp mang tính răn đe nhiều hơn, có tính chế tài nhiều hơn.

Nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là thần tượng của không ít người hâm mộ. Khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức mà vẫn tiếp tục lên sóng thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới công chúng, dư luận. Có thể khẳng định hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức của một số nghệ sĩ thường có tác động tiêu cực cho xã hội nhiều hơn những người khác. Bởi, những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật là đa số người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến một bộ phận khá đông người dân. Chính vì thế PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, vì vai trò vô cùng quan trọng của nghệ sĩ đối với công chúng nên cần có cái nhìn nghiêm khắc hơn. Khi các nghệ sĩ đã dấn thân vào con đường nghệ thuật thì họ biết rằng lao động nghệ thuật là sự hy sinh, cống hiến cho xã hội, họ phải cố gắng nhiều hơn, giữ gìn hình ảnh và thương hiệu nhiều hơn. Điều đó rất có ích đối với sự phát triển bền vững của chúng ta.

Xã hội Việt Nam bây giờ rất đa dạng và phức tạp, có một bộ phận khán giả khá dễ dãi, "nuông chiều" nghệ sĩ. Chính vì thế, tuy một số nghệ sĩ đã gây ra sai phạm, có những hành động không phù hợp thì vẫn có một bộ phận ủng hộ họ, vẫn không quay lưng với họ. Chính việc làm này khiến cho họ lầm tưởng rằng những sai phạm đó không nghiêm trọng và có thể lặp lại những sai lầm khác. Thế nhưng, cũng có không ít khán giả rất nghiêm khắc, nhiều người thấy các nghệ sĩ có những sai lầm, lệch chuẩn là họ “phong sát” ngay để tránh tình trạng này lặp lại. Chính vì những phản ứng khác nhau trong xã hội nên cũng phải tìm nhiều cách khác nhau để định hướng dư luận. Tuy nhiên theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc vi phạm đạo đức của các nghệ sĩ mà dẫn tới cấm sóng thì cần phải có sự cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Một sai lầm có thể đến từ nhiều lý do, có thể do nhận thức chủ quan nhưng cũng có thể do khách quan. Có những sai lầm có thể tha thứ được nhưng cũng có những sai lầm không thể tha thứ. Chính vì thế phải xét trong những trường hợp cụ thể thì mới xác định được là “cấm sóng” hay không “cấm sóng”, “cấm sóng” vĩnh viễn hay là “cấm sóng” có thời hạn…

Có ý kiến cho cho rằng không phải lùm xùm nào cũng ảnh hưởng đến tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng để dẫn tới việc nghệ sĩ có thể bị cấm sóng. Và tiêu chuẩn để nghệ sĩ sửa sai cũng vậy. Nên đặt ra thời gian bao lâu là đủ để nghệ sĩ đó được quay trở lại. “Có những sai lầm thì khắc phục được nhưng có những sai lầm thì không khắc phục được. Vì thế để tận dụng được các tài năng của văn nghệ sĩ, tạo một môi trường nghệ thuật lành mạnh thì phải có những hình thức linh hoạt, dựa trên những cái vừa thượng tôn pháp luật, nhưng cũng phải coi trọng đến những yếu tố về đạo lý của dân tộc” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Quy định càng chi tiết càng tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc cấm sóng hay tạo điều kiện cho nghệ sĩ quay trở lại cũng cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng bởi ý kiến của dư luận xã hội là một thứ quyền lực. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường thì dư luận xã hội cũng là khán giả. Nên phải hết sức quan tâm đến ý kiến của dư luận xã hội để có những quyết định xử phạt việc vi phạm đạo đức của nghệ sĩ phù hợp. Và cũng đã đến lúc, chúng ta cần tính toán đến việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, để có những chế tài cụ thể, hoàn thiện hơn nữa các quy định mang tính pháp lý. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần thiết phải ban hành luật nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng và ban hành cần có sự cân nhắc vì chúng ta mới ban hành nghị định 144. Cần có một thời gian và độ trễ nhất định để kiểm tra Nghị định này. Nghị định 144 đã có được rất nhiều tín hiệu tốt trong xu hướng phát triển văn hóa của thế giới. Thế nhưng mỗi một đất nước khác nhau, mỗi một nền văn hóa khác nhau thì cần có những kiểm nghiệm nhất định. Chính vì thế, sau một thời gian thực hiện Nghị định 144 thì sẽ có những bài học hết sức cụ thể, từ đó việc xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn sẽ tốt hơn.

Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn, bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó. Chính vì thế, trước khi có những chế tài xử phạt nghiêm minh thì các đài truyền hình cần nghiêm khắc hơn khi mời nghệ sĩ lên sóng. Việc cấm sóng đối với những nghệ sĩ vi phạm đạo đức, đó chính là một hình phạt rất nặng và ảnh hưởng trực tiếp, đòi hỏi các nghệ sĩ dù đi đâu, làm gì cũng đều phải giữ gìn hình ảnh, danh tiếng của mình.