Đúng 17 giờ 11 phút ngày 15/12/2021, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó Trung tâm của Xòe có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).

Theo bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, để được UNESCO ghi danh, nghệ thuật xòe Thái đã trải qua một hành trình dài, bền bỉ với trách nhiệm và sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các nhà văn hóa, nghệ nhân và cả cộng đồng người Thái. Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là sự kiện quan trọng, giúp cho tỉnh Yên Bái có cơ hội quảng bá giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung và của đồng bào dân tộc Thái nói riêng. Người dân Yên Bái đang rất vui mừng và phấn khởi, đặc biệt là những nghệ nhân như ông Lò Văn Biến, bà Hoàng Thị Văn... những người luôn tận tâm với việc bảo tồn và trao truyền giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến được ví như "Pho sử sống" của đồng bào Thái bởi vốn kiến thức phong phú về văn hóa truyền thống và tinh thần truyền dạy không mệt mỏi cho lớp trẻ. Nhờ có ông, nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Thái đã được dịch, lưu lại cho thế hệ sau. Trong đó đặc biệt là việc khôi phục 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò: Khắm khen (Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu), Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn). Sáu điệu xòe cổ này được sắp xếp theo ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái, thể hiện qua các trạng thái tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, người Thái quan niệm "Không Xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa Xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng Xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng. Vì thế, nhiều điệu nhảy trong múa Xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu…, tất cả đều diễn tả sinh động thực tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.

Cũng theo bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, hưởng ứng sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Chương trình nghệ thuật mang tên “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. "Đây là một không gian nghệ thuật đặc sắc với những câu chuyện tái hiện lại cội nguồn của đồng bào Thái với những nét văn hóa độc đáo, tinh túy nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Chương trình gồm 3 chương. Chương 1: Thiên di lập bản lập mường; Chương 2: Miền di sản; Chương 3 nói về tinh hoa nghệ thuật Xòe. Chương 3 là màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với sự tham gia của 2.022 là nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng, được thể hiện qua những hình tượng mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc" bà Bình cho biết thêm.

Trong khuôn khổ lễ vinh danh nghệ thuật Xòe Thái, Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 cũng diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa du lịch phong phú, đặc sắc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trải dài từ tháng 9 đến tháng 12/2022: lễ hội Quế Văn Yên, Festival dù lượn huyện Mù Cang Chải, Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá di sản quốc gia hồ Thác Bà, Đêm tiệc trà Suối Giàng, lễ hội giã cốm huyện Văn Chấn, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng máy bay trực thăng, khởi động hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù và Tà Xùa, lễ hội Gàu Tào huyện Trạm Tấu... Đây là một trong những hoạt động góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người gắn với nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Yên Bái đến nhân dân và du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển.