Tết mùa mưa diễn ra trong 4 ngày. Dân bản họp bàn và thống nhất ngày cúng. Thường họ sẽ chọn ngày con lợn hoặc con rồng để tổ chức.
Từ chiều hôm trước, phụ nữ trong gia đình chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho lễ cúng diễn ra tươm tất. Củi, gạo sẵn sàng. Lá chuối được cắt về, rửa sạch, hong khô. Gạo nếp ngâm sẵn để rạng sáng hôm sau đem đi đồ xôi, giã bánh dày cúng tổ tiên. Đó chính là lễ vật thơm ngon không thể thiếu, tượng trưng cho thành quả lao động vất vả của gia đình trong năm qua.
Cúng xong, cả gia đình cùng nhau ăn bánh dày như một sự hưởng lộc của tổ tiên. Sau đó, gia chủ sẽ làm lễ gọi hồn – nghi lễ quan trọng nhất trong Tết mùa mưa.
Người Hà Nhì quan niệm, mùa mưa, nước lũ, sấm sét hoành hành khiến hồn vía con người, vật nuôi, cây trồng hoảng sợ, từ đó khó có thể sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, tháng 5 âm lịch hàng năm, người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa và thực hiện nghi lễ gọi hồn về với con người, cây trồng và vật nuôi, những mong mùa màng bội thu, chăn nuôi đầy đàn, gia đình mạnh khỏe, bình an.
Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Tết mùa mưa được đồng bào Hà Nhì đến từ Lai Châu tái hiện chân thực, sống động với những nét văn hóa giàu bản sắc.
Gia đình giã bánh dày dâng cúng tổ tiên
Ít nhất phải có 3 chiếc bánh dày, tượng trưng cho vật nuôi, cây trồng, con người. Khi dâng lên tổ tiên, lễ vật cũng chính là nguyện cầu của gia chủ: gia đình mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi, cây trồng phát triển.
Ông chủ gia đình chủ trì lễ cúng. Bàn thờ của người Hà Nhì được đặt ngay trên vách trong buồng ngủ của chủ nhà
Sau khi cả gia đình thụ lễ bánh dày, ông chủ nhà sẽ ra ngoài hiên nhà làm nghi thức gọi hồn. Lễ vật ông mang theo là một con gà, một gùi nhỏ. Bên trong gùi là tư trang, vật dụng của từng cá nhân trong gia đình như vòng tay, vòng cổ, áo, mũ...
Sau nghi thức cúng gọi hồn, từng thành viên lần lượt truyền tay nhau uống bát nước trắng, hàm ý hồn đã về với gia đình, với mọi người
Ông chủ lễ sẽ buộc vòng tay cho từng người với ý nghĩa buộc hồn với thân thể, từ nay người sẽ khỏe mạnh, không ốm đau.
Sau khi trao đồ cho các thành viên trong gia đình, chủ lễ sẽ tiến hành cắt tiết gà, đồng thời chuẩn bị hai bát cháo, hai bát thịt nạc gà xé, một bộ gan gà luộc, hai chén rượu, hai đôi đũa. Đây chính là lễ cúng hai bên nội ngoại, mời tổ tiên nội ngoại cùng về ăn Tết. Cúng xong, cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm ấm cúng trong Tết mùa mưa.
Ăn xong bữa cơm, mọi người kéo nhau ra bãi đất rộng đầu bản cùng nhau chơi đu. Mỗi gia đình cũng sẽ dựng một cây đu trong nhà để cho trẻ nhỏ chơi đu. Tuy nhiên, trước khi chơi, họ sẽ làm lễ cúng đu. Ông chủ lễ buộc cây gai, cây hạt dẻ vào ống tre, buộc một ngọn đuốc vào cây đu. Khi làm lễ, ông vừa khấn, vừa dùng tay đẩy chiếc đu về phía trước, hất rơi cây gai ra ngoài hàm ý xua đuổi mọi xấu xa, không may mắn.
Chủ lễ sẽ đu trước, sau đó mọi người sẽ cùng nhau chơi đu
Chơi đu không chỉ là một trò chơi dân gian của người Hà Nhì mà còn mang ý nghĩa nhân văn, một cách ứng xử hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì quan niệm: trong quá trình sản xuất con người đã phạm phải thiên nhiên, con người treo lơ lửng trên cao để tạ tội với thần linh, cây cỏ. Đó chính là sự tôn trọng của dân bản đối với thiên nhiên, với thần linh.
Người Hà Nhì cũng tin rằng: đu càng cao, càng xa, năm ấy dân bản sẽ được mùa, sản xuất thuận lợi.
Cùng với chơi đu, nam thanh, nữ tú Hà Nhì còn có trò chơi tù lu, đu quay, đánh lông gà, trò ấp trứng
Tết mùa mưa là dịp vui của bản nên sẽ không thể thiếu nhịp chiêng, nhịp trống hòa cùng điệu xòe không ngủ